“Báo cáo Kremlin” có nhằm vào bầu cử Tổng thống Nga?

01/02/2018 - 08:34

Nga cho rằng động thái của Mỹ không khác gì dội thêm gáo nước lạnh vào quan hệ vốn đã "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa 2 nước.

“Báo cáo Kremlin” của Mỹ là “ngớ ngẩn”

Tổng thống Nga Putin đã nói như vậy về bản “Báo cáo Kremlin” Mỹ vừa công bố, trong đó liệt 114 nhà chính trị Nga và 96 doanh nhân “thân với Điện Kremlin” vào danh sách đen, với cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

“Báo cáo Kremlin” có nhằm vào bầu cử Tổng thống Nga?

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump (phải). Ảnh: Tân Hoa Xã

“Mỹ muốn điều gì? Họ phải tự quyết định. Mỹ đánh đồng Moscow, Tehran và Bình Nhưỡng để trừng phạt. Nhưng cùng với đó Mỹ lại kêu gọi Nga hòa giải những vấn đề với Iran và Triều Tiên”, Tổng thống Putin nói.

Ông Putin nói thêm rằng động thái của Mỹ là “không thân thiện” và sẽ chỉ tác động tiêu cực tới quan hệ vốn không êm ả giữa 2 nước.

“Báo cáo Kremlin” vừa được Bộ tài chính Mỹ trình lên Quốc hội. Bản báo cáo nêu tên 210 cá nhân, trong đó, đáng nói là báo cáo gồm tất cả thành viên Chính phủ Nga, đứng đầu là Thủ tướng Dmitry Medvedev, 9 Phó Thủ tướng, 22 Bộ trưởng và 96 doanh nhân bị đưa vào danh sách là những người có tài sản từ 1 tỷ USD trở lên.

Phản ứng trước danh sách đen mới này, Thủ tướng Medvedev đã gọi bản báo cáo là hoàn toàn vô nghĩa. Giới chức Nga cũng cho rằng động thái của Mỹ không khác gì là phá tan quan hệ vốn đã “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Nga.

Điện Kremlin cáo buộc ngược lại Mỹ đang cố gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống Nga diễn ra vào tháng 3 tới, trong bối cảnh, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Tổng thống đương nhiệm Putin nhiều khả năng chiến thắng áp đảo ngay từ vòng một.

Tuy nhiên, chính phủ Nga dự báo hành động của Mỹ trước thềm bầu cử nước này là vô tác dụng.

Iran chỉ trích, còn châu Âu sẽ không hùa theo Mỹ

Giới chuyên gia Iran nhìn nhận “Báo cáo Kremlin” là “ngu ngốc’ và “vi phạm luật pháp quốc tế”.

Sputnik dẫn phỏng vấn nhiều chuyên gia Iran cho rằng Mỹ đang chọn cách tiếp cận thiếu khôn ngoan khi vì lợi ích của mình mà bất chấp các khuôn khổ và luật pháp quốc tế.

“Thay vì lựa chọn chính sách mở rộng và làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hữu nghị, hòa bình và ổn định, Mỹ đã chọn con đường gây hấn, can thiệp và đối đầu. Mỹ tin rằng trừng phạt sẽ có tác dụng nhưng họ đã sai lầm”, ông Hossein Sheikholeslam- nhà cựu cố vấn tại Bộ Ngoại giao Iran nhận định.

Các chuyên gia cũng lấy chính Iran làm ví dụ cho thấy các trừng phạt của Mỹ những trừng phạt đơn phương của Mỹ là vô tác dụng khi không thể hủy hoại được nước Cộng hòa Hồi giáo.

Còn giới chức châu Âu thì cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng về sự leo thang căng thẳng mới giữa Mỹ và Nga. Đối với Liên minh châu Âu (EU), điều này có thể dẫn tới gia tăng bất đồng trong mối quan hệ với Mỹ vì những mâu thuẫn trong chính sách trừng phạt. 

Hãng tin Sputnik cũng dẫn lời ông Stefan Meister - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung và Đông Âu của Quỹ Robert Bosch (Đức), khẳng định: “Nếu các biện pháp trừng phạt mới được thông qua, EU và Đức sẽ không tuân thủ theo Mỹ, vì điều đó không đem lại lợi ích cho người châu Âu”.

Châu Âu lâu nay không giấu mối quan ngại sâu sắc về rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Điều này cũng phần nào cho thấy sự khó xử của Liên minh châu Âu khi vừa muốn hàn gắn với Nga, vừa muốn đảm bảo quan hệ với Mỹ.

Ông Trump mềm yếu trước Nga

Sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố chưa muốn trừng phạt Nga vào lúc này, các nghị sĩ Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống, đồng thời cáo buộc ông Trump đã trở nên “mềm yếu” trước Tổng thống Nga Putin.

Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã ký thành luật các trừng phạt nhằm vào Nga. Song lần đặt bút ký này đã được coi là sự miễn cưỡng đối với ông Trump.

20 Thượng nghị sĩ Dân chủ ngày 30-1 đã gửi thư cho Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng “sự thất bại trong việc áp đặt trừng phạt Nga” là không thể chấp nhận được. Phe Dân chủ khẳng định các trừng phạt phải được công bố ngay lập tức.

Trong khi, các nghị sĩ Cộng hòa cũng hoài nghi với hành động của chính phủ. Theo Chủ tịch Ủy ban đối ngoại tại Thượng viện Mỹ Bob Corker, ông có thể sẽ tạo sức ép cần thiết để đảm bảo luật trừng phạt mới được thực thi.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết tuy Washington chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng "Báo cáo Kremlin" là bước đầu và các lệnh trừng phạt có thể được công bố ngay trong tháng tới. 

Bất cứ trừng phạt mới nào cũng sẽ tiếp nối chuỗi ngày trả đũa lẫn nhau giữa Nga và Mỹ.

Theo HOÀNG LÊ (VOV)