“Bệnh viện thông minh” - xu hướng hiện đại hóa trong khám, chữa bệnh

07/11/2019 - 08:06

 - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, điều trị bệnh và quản lý là xu hướng của nhiều bệnh viện trong cả nước. Tại An Giang, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng “Bệnh viện thông minh” được Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh triển khai từ năm 2017, đến nay, mô hình này đã hoàn thiện và tạo sự hài lòng của người bệnh.

“Bệnh viện thông minh” - xu hướng hiện đại hóa trong khám, chữa bệnh

Trao bằng khen của Bộ Y tế cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc ứng dụng công thành công nghệ thông tin trong ngành y tế

Giúp giảm thời gian

Theo TS.BS Lữ Văn Trạng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám từ 600-800 bệnh nhân ngoại trú, điều trị cho 900-1.000 bệnh nhân/ngày nội trú. Đa số là người bệnh tại địa phương và các huyện, thị xã lân cận, như: An Phú, Tịnh Biên, Châu Phú... nhất là bệnh nhân người Campuchia ở khu vực giáp biên giới. Do nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng tăng, gây nên tình trạng quá tải không chỉ riêng với người bệnh mà cả với cán bộ y tế. Vì vậy, để cải cách thủ tục hành chính, tạo sự thuận lợi trong thực hiện các quy trình KCB, từ tháng 10-2017, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh đã triển khai áp dụng mô hình “Bệnh viện thông minh” vào các hoạt động của bệnh viện; là đơn vị đầu tiên trong khu vực ĐBSCL triển khai phần mềm “Giải pháp bệnh viện thông minh HIS”. Để sẵn sàng ứng dụng mô hình “Bệnh viện thông minh”, bẹnh viện đã trang bị màn hình LCD tại tất cả các phòng khám và loa gọi người bệnh chờ đến lượt vào khám theo thứ tự, loại bỏ tâm lý chờ đợi, chen lấn, thể hiện sự văn minh. Qua 2 năm triển khai thực hiện, mô hình đã đi vào hoạt động ổn định, trở nên quen thuộc với đội ngũ y, bác sĩ và nhận được sự ủng hộ của người bệnh.

Anh Nguyễn Văn Tư (An Phú) cho biết: “Tôi thấy áp dụng mô hình này người bệnh chỉ mất vài giây để lấy số thứ tự khám bệnh. Nếu bình thường không có thẻ thông minh thì người bệnh sẽ mất nhiều thời gian cho việc xếp hàng để “bắt số” khám bệnh. Thời buổi hiện đại nên khi thực hiện thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ thông minh thế này rất thuận tiện, nhanh chóng và quan trọng là không mất nhiều thời gian chờ đợi mệt mỏi”.

“Số hóa”… hướng đến y tế thông minh

 “Bệnh viện đã chính thức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; quản lý, sử dụng và lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho hồ sơ bệnh án giấy, lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế thay cho in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy” -  TS.BS Lữ Văn Trạng phấn khởi cho biết. Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải lưu trữ các loại giấy tờ khi KCB; dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ; tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời; lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, dị ứng thuốc… Từ đó, giúp người bệnh chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đối với các y, bác sĩ, hồ sơ bệnh án điện tử giúp việc cập nhật thông tin sức khỏe bệnh nhân dễ dàng, thuận lợi, nhanh chóng hơn, giảm thời gian thăm khám, hỗ trợ điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Việc sử dụng đơn thuốc điện tử góp phần giảm thiểu sai sót y khoa do chữ viết tay, nhập sai… gây mất thời gian.

Ngoài việc xây dựng đề án bệnh án điện tử có chữ ký số; cấp thẻ khám bệnh thông minh cho bệnh nhân, mô hình “Bệnh viện thông minh” của Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh còn có nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ y tế được triển khai, như: hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh RIS; phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa… góp phần chuyên nghiệp hóa dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng KCB.

TS.BS Lữ Văn Trạng thông tin: “Để góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; tạo môi trường giao lưu, học hỏi cũng như tăng cường sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bệnh viện trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai bệnh viện thông minh… cuối tháng 10-2019, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh đã tổ chức thành công “Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình bệnh viện thông minh trong thời đại công nghệ thông tin 4.0”. Tham gia diễn đàn có 120 đơn vị, với gần 400 người đăng ký tham dự đến từ các bệnh viện, trung tâm y tế, Sở Y tế và các công ty công nghệ thông tin trong cả nước. Tại diễn đàn đã chia sẻ nhiều đề tài, gồm: hệ sinh thái y tế thông minh đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0; kinh nghiệm triển khai mô hình bệnh viện thông minh; bước đầu chuẩn bị cơ sở hạ tầng để triển khai bệnh án điện tử (EMR); thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện; tiêu chuẩn công nghệ thông tin y tế; ứng dụng kiểm soát thanh quyết toán bảo hiểm y tế…”

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như việc xây dựng mô hình “Bệnh viện thông minh”, bệnh án điện tử là một bước tiến mới trong ngành y tế nhằm hướng đến sự tiện lợi, hài lòng của bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng KCB của các bệnh viện. Do đó, tôi mong rằng trong thời gian tới, các bệnh viện trong tỉnh sẽ tổ chức triển khai mô hình bệnh viện thông minh nói chung, bệnh án điện tử nói riêng tại đơn vị mình” - Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn cho biết.

THU THẢO