“Cho đi là còn mãi”

11/07/2019 - 07:22

 - Qua đôi tay khéo léo của các cô, chị, những nguyên liệu tưởng “bỏ đi” như: vải vụn, túi xốp bao trái cây... thay vì trở thành rác thải đã được tái chế lần nữa để làm mùng, mền tặng cho người nghèo. Tên gọi “Cho đi là còn mãi” được chọn đặt cho mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Phú Lâm (Phú Tân) mang đến một thông điệp yêu thương đầy ý nghĩa.

Mô hình này xuất phát từ ý tưởng của bà Nguyễn Thị Nhước (68 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Lâm). Nhà có sẵn máy may, bà Nhước tận dụng áo dài cũ và vải vụn của con gái để may thành gối và mền làm từ thiện. Thấy việc làm của bà khá hay, Hội LHPN xã Phú Lâm vận động các chị em phụ nữ mua bán trái cây không vứt bỏ hoặc đốt những cái lưới xốp; thợ may giữ lại vải vụn để các hội viên đến thu gom, tận dụng may mền, gối hỗ trợ cho gia đình chị em hội viên, phụ nữ nghèo, hộ khó khăn trong địa phương. Rất nhanh chóng, việc làm ý nghĩa này đã thu hút chị em tập hợp đến nhà bà Nhước để cùng làm, duy trì đến nay được 3 năm, đã có hàng trăm cái gối, mền được trao tặng cho người khó khăn trong và ngoài huyện.

Hội viên phụ nữ xử lý các nguyên liệu trước khi làm sản phẩm

Bà Nhước cho biết, hàng ngày có người giúp lo cơm nước nên bà toàn tâm toàn ý làm sản phẩm nhiều hơn. Tính bà cẩn thận, tỉ mỉ nên có nhiều công đoạn bà nhất định tự tay làm mới vừa ý. Từ khi việc thiện của bà phát triển thành mô hình của Hội LHPN, thợ may và các bà nội trợ đã tự gom góp vải vụn, bao xốp đem đến tận nhà cho bà làm nguyên liệu. Con gái bà Nhước làm thợ may ở thành phố cũng ủng hộ mẹ bằng cách gửi vải vụn về. Khi nào rảnh là bà Nhước ngồi làm, không để ý đến số lượng, được càng nhiều càng mừng, nơi nào cần liên hệ xin mền, gối bà đều giúp đỡ, đến ngày rằm gửi cho người đi chùa hoặc họ tự đến nhận.

Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Lâm Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ: “Mô hình này được phát động thực hiện gắn với bảo vệ môi trường. Hội viên sẽ tham gia bằng việc tận dụng các lưới xốp bao trái cây, vải vụn về xé nhỏ, làm sạch, phơi khô rồi dồn thành ruột gối. Vải cũ loại lớn thì dùng may áo gối và mền. Thành phẩm đảm bảo sạch sẽ, đáp ứng nhu cầu sử dụng như mền, gối thông thường, nếu được bảo quản tốt có thể giữ được độ bền khá lâu”. Trước giờ, vải vụn của các nhà may, lưới xốp bọc trái cây hay đồ cũ thường được xử lý bằng cách đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Qua ý tưởng của bà Nhước mới thấy bỏ đi số nguyên liệu này cũng là sự lãng phí, việc tái sử dụng theo cách làm của bà rất thiết thực. “Cho đi là còn mãi” là một trong số mô hình Hội LHPN xã Phú Lâm chọn thực hiện gắn với học tập và làm theo gương Bác, phát huy tinh thần tiết kiệm, tương thân tương ái chia sẻ với người nghèo. Hội viên hưởng ứng bởi bên cạnh giá trị tinh thần là hành động góp nhặt của từng người chung tay bảo vệ môi trường.

Nhiều cơ sở thờ tự, tổ chức từ thiện như: tổ cơm cháo ở bệnh viện, nhà thuốc nam trong và ngoài tỉnh đã đến liên hệ để “đặt hàng” đem tặng cho người nghèo kết hợp trong các đợt trao quà, khám bệnh, hỗ trợ đột xuất. Hơn 500 cái gối và 200 cái mền đã được trao cho người nghèo, hộ khó khăn, như: Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân, chùa An Hòa, thậm chí ở xa như: Đồng Tháp, Vũng Tàu đã biết đến sản phẩm đặc biệt của các chị em phụ nữ nơi đây. Các phụ phẩm “biến” thành từng cái gối, mền xinh xắn qua những đôi tay khéo léo và cả tấm lòng của các chị, em đã góp một phần nhỏ giúp môi trường tránh được lượng rác thải khó phân hủy và thêm ấm lòng cho những gia đình đang còn trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả.

MỸ HẠNH