“Ngoại khóa văn học” - sân chơi thú vị

01/11/2019 - 07:02

 - Xuất phát từ yêu cầu đổi mới trong giảng dạy và nâng cao hiệu quả học tập cho sinh viên, Bộ môn Giáo dục tiểu học Khoa Sư phạm (Trường Đại học An Giang) đã tổ chức chương trình ngoại khóa văn học với các hoạt động sân khấu sinh động, hấp dẫn. Qua đó, giúp sinh viên chủ động chiếm lĩnh tri thức của người học và rèn luyện các kỹ năng sư phạm cần thiết.

Thầy Trương Chí Hùng (giảng viên bộ môn ngữ văn, Khoa Sư phạm) cho biết: “Cách đánh thức tình yêu văn chương, niềm đam mê sáng tạo của các bạn trẻ trong hoạt động học tập không gì khác hơn là để các em tự thể hiện lại các tác phẩm văn học. Chính trong hoạt động sân khấu như: diễn kịch, ca hát, nhảy múa... buộc các em phải đào sâu nghiên cứu về tác phẩm, hiểu và cảm thụ tác phẩm, câu chuyện, nhân vật một cách sâu sắc thì bản thân mới thể hiện một cách chân thật và nếu kèm theo đó là sự sáng tạo, vui tươi hóm hỉnh thì sẽ nhận được điểm cộng từ ban tổ chức”.

Tiết mục biểu diễn trang phục truyền thống 3 nước Đông Dương

Từ sự gợi ý của giáo viên bộ môn, các bạn sinh viên ngành Giáo dục tiểu học đã đem đến chương trình “Ngoại khóa văn học” những tiết mục hết sức độc đáo, gần gũi với các câu truyện cổ tích, phù hợp với nội dung học tập của sinh viên. Nhiều nhân vật được các em hóa thân bước ra từ tác phẩm văn học xuất hiện trên sân khấu theo kiểu “Cây nhà lá vườn”. Khán giả chính là sinh viên, giảng viên trường được dịp dõi theo hành trình của Thánh Gióng diệt giặc Ân, chuyện cô bé Lọ Lem đi trẩy hội, theo chân người học trò nghèo tiêu diệt 3 con quỷ độc ác để giúp đỡ dân lành, được lắng lòng với số phận bi đát của thằng Dần - một đứa trẻ mồ côi phải sống nhờ với bao nỗi đắng cay tủi nhục. Đặc biệt, những ký ức về làng Vũ Đại với 2 nhân vật Chí Phèo và Thị Nở được trang điểm và diễn xuất theo kiểu sinh viên đã làm cho khán giả cười nghiêng ngả. Một phiên bản Tấm Cám hoàn toàn mới qua phần diễn xuất của các học viên người Lào và Campuchia, xen lẫn giữa các tiết mục kịch là những bài hát truyền cảm phổ thơ, tiết mục nhảy múa sôi động “Để Mị nói cho mà nghe” đã làm “nóng” sân khấu, để rồi sau đó càng thêm yêu nét đẹp văn hóa các dân tộc Đông Dương qua màn trình diễn trang phục truyền thống Việt Nam - Lào và Campuchia.

Một tác phẩm văn học được dựng lại thành tiểu phẩm sân khấu

Thích thú với chương trình “Ngoại khóa văn học” năm nay của các bạn sinh viên năm nhất, bạn Phạm Thị Trúc Đào (sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành Giáo dục tiểu học) chia sẻ: “Các sinh viên năm nhất đã diễn lại các tác phẩm văn chương một cách hồn nhiên, chân thật và đầy sáng tạo. Với cách thức học tập theo kiểu hoạt náo sân khấu tuy phải tốn nhiều công sức, thời gian chuẩn bị từ kịch bản, trang phục, đạo cụ, quá trình tập luyện nhưng thông qua đó khắc sâu được bài học. Quan trọng hơn là chúng em có thể lưu giữ những kỷ niệm thời sinh viên và bản thân từng bạn đều cảm thấy trưởng thành hơn sau các hoạt động ngoại khóa như thế này”.

Chia sẻ thêm về ý nghĩa của chương trình, thầy Trương Chí Hùng cho biết: “Ngoại khóa văn học là một hoạt động nổi bật và được tổ chức hàng năm từ sự chỉ đạo và hướng dẫn của Trưởng bộ môn Giáo dục tiểu học, Ban chủ nhiệm Khoa Sư phạm. Đây là một trong những hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm góp phần làm cho sinh viên Khoa Sư phạm nói chung, ngành Giáo dục tiểu học nói riêng thể hiện sự đam mê sáng tạo, phát huy năng khiếu cá nhân. Đồng thời, giúp các bạn trẻ rèn luyện kỹ năng sư phạm cũng như sự tự tin nói chuyện, diễn xuất trước đám đông, từng bước hoàn thiện bản thân để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích