“Ông Táo không khói” ở miền Tây

01/02/2018 - 01:30

 - “Người tiêu dùng cả nước gọi Nguyễn Trọng Hậu là “Ông Táo không khói”, bởi bếp của ông làm ra nướng được rất nhiều loại thực phẩm khác nhau mà không có khói. Thực phẩm được nướng trên bếp này ăn rất thơm ngon, giữ được hương vị, đặc biệt không hôi mùi khói than. Bếp được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm thân thiện với môi trường…” - Giám đốc Công ty TNHH Bếp Việt (TP. Hồ Chí Minh) Trần Thiện Nam chia sẻ.

Trăn trở

Ông Nguyễn Trọng Hậu (ngụ ở phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) sống bằng nghề bán cơm tấm. Quán cơm của vợ, chồng ông Hậu nằm gần cầu Nguyễn Trung Trực, (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). Hơn 1 năm nay, người dân ở TP. Long Xuyên cùng các địa phương lân cận như: xã An Thạnh Trung (Chợ Mới); quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) đổ về đây để ăn món cơm gà đúc lò. Đây là món ăn dân dã, đặc sản của quán.

“Gà đúc lò của ông Hậu rất ngon, bởi ông dùng bếp nướng không khói (do ông phát minh, sáng chế) để đúc con gà. Khi thực khách thưởng thức, ngoài hương vị thơm ngon, miếng gà không hôi mùi khói, không gây độc hại đến sức khỏe lẫn môi trường xung quanh…” - chị Trần Thị Thanh Tuyền (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Hậu, tác giả bếp nướng không khói

Ông Nguyễn Trọng Hậu, tác giả bếp nướng không khói

Để tạo ra được một loại bếp nướng không có khói, ông Hậu đã mất rất nhiều công sức và thời gian để suy nghĩ và thực hiện. Ban đầu, ông lấy chậu kiểng mang đi đập thủng đích rồi lật ngược lại. Lúc này, đáy chậu nằm bên trên. Chậu kiểng thường có miệng rộng, đáy nhỏ. Để nướng được thịt, ông đốt than cho đỏ rồi tấn than vào sát thành lò. Hơi nóng men theo thành lò tỏa ra miệng lò làm chín miếng thịt và các loại thực phẩm. Quá trình nướng, mỡ từ trong thịt chảy ra, không rớt trực tiếp xuống than, không tạo ra khói.

“Phát minh này rất có ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, bởi bếp không tạo ra khói, giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Bếp có thể nướng trong phòng lạnh của khách sạn, nhà hàng, việc này rất phù hợp cho những hộ sống tại các chung cư cao tầng ở các đô thị lớn…”- Giám đốc Công ty TNHH Bếp Việt (TP. Hồ Chí Minh) Trần Thiện Nam nhận định.

Thương mại

“Trước đây, bình quân mỗi ngày gia đình tôi nướng trên 20kg thịt để bán cơm. Mỗi khi nướng, khói nghi ngút một cả một đoạn đường, làm cản trở tầm nhìn giao thông, gây mùi khó chịu cho người đi đường lẫn những người hàng xóm, mất đi tình làng nghĩa xóm. Nay, có bếp nướng không khói, việc nướng thịt rất thuận lợi, không gây phiền phức, không ô nhiễm môi trường, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt…” - ông Hậu chia sẻ.

Bên những bếp nướng không khói

Bên những bếp nướng không khói

Thành công của ông Hậu đã làm cho nhiều doanh nghiệp, công ty chuyên về bếp tìm đến ngỏ lời mời hợp tác, đầu tư để thương mại hóa sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã đặt vấn đề hợp tác, xuất khẩu sản phẩm sang Canada, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ… phục vụ cho người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài loại bếp có đường kính miệng 2,5tấc, 3-4 tấc, ông Hậu còn sản xuất rất nhiều loại bếp lớn nhỏ, kiểu dáng khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng, các phân khúc khách hàng khác nhau.

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, ngoài các sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng, miền như: khô cá sặc bổi, khô cá lóc, cá linh kho mía… nhiều cán bộ, công nhân ở các nhà máy chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đã liên hệ mua bếp nướng không khói để làm quà tặng cho đối tác, người thân và gia đình. Đây là món quà đầy ý nghĩa trong những ngày Tết, vì vậy, xưởng sản xuất bếp nướng không khói của ông Hậu luôn sáng đèn để đáp ứng đơn hàng của khách hàng.

“Nguyên lý cơ bản của bếp nướng không khói là mỡ không rớt trực tiếp xuống than hồng, từ đó không tạo ra khói. Quá trình nướng thịt, mỡ rớt xuống được thu hồi một cách trọn vẹn. Độ nóng của lò có mang theo hơi nước, làm cho miếng thịt hoặc các loại thực phẩm rất mau chín vẫn giữ được hương vị đặc trưng…” - ông Nguyễn Trọng Hậu chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN