“Quán cà-phê di động” trên sông

18/01/2018 - 07:13

 - Với chiếc xuồng tam bản nhỏ, cũ kỹ, nhiều chị phụ nữ lấy đó làm phương tiện bán cà-phê trên sông để mưu sinh.

Lắc lư theo nhịp sóng

Sáng sớm, tiếng mái chèo khua nước thật êm tai đẩy chiếc xuồng tam bản dập dềnh đưa chúng tôi dạo quanh chợ nổi Long Xuyên. Xa xa, có ai đó cất tiếng rao ngọt lịm: “Ai uống cà-phê đá, trà đường, nước ngọt… hôn”. Chúng tôi giật mình quay lại. Đó là tiếng rao của 1 chị đang chèo xuồng, trên đó chất đủ thứ đồ, nào ly, tách, bình thủy, nước đá, chai nước ngọt đủ loại… y như “quán cà-phê di động” trên sông. Khi nghe có tiếng gọi mua cà-phê, chị phụ nữ chèo chiếc xuồng tam bản lừ lừ theo sóng nước lao tới.

Những chủ ghe khác gần đó cũng “í ới” kêu “quán cà-phê di động” ghé lại để thưởng thức cà-phê và trò chuyện. Vào buổi sớm, có dịp đến chợ nổi Long Xuyên, hòa mình vào không gian yên ả, ngắm cảnh bình minh lên, thưởng thức tô bún riêu cua nghi ngút khói, thơm lừng, rồi hớp một ngụm cà-phê mới thấy hết cái thi vị độc đáo của xứ sở miệt vườn, khó nơi nào sánh bằng.

Lấy chồng từ năm 20 tuổi, chị Nguyễn Thị Vàng (55 tuổi) đã “khởi nghiệp” với nghề bán “quán cà-phê di động” trên sông. Nhà chị Vàng ở phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên), thuở nhỏ gia đình gặp khó khăn, chị phải mua chiếc xuồng tam bản nhỏ, rồi trang bị “đồ nghề” để bán cà-phê theo các ghe, xuồng của những thương hồ trên sông.

Thời gian thoi đưa, chị bám nghề bán cà-phê hơn 35 năm. “Ngày nào cũng vậy, sáng sớm tinh mơ, tui đã chạy xuồng ra chợ nổi. Khi tới nơi, tắt máy, rồi chèo xuồng leo lách qua từng chiếc ghe lớn để bán cà-phê. Bán riết quen mặt, chủ ghe ủng hộ nhiệt tình. Nhờ vậy, mình có thu nhập đều đều, đủ trang trải cuộc sống gia đình” - chị Vàng bày tỏ.

Mặc dù phải chèo xuồng đến tận nơi, nhưng các chị bán cà-phê với giá rất bình dân. Mỗi ly cà-phê đá chỉ 5.000 đồng, cà-phê sữa đá 6.000 đồng... các loại nước uống có gas, bán giá thấp hơn so với các hàng quán trên bờ. Đối với chị, việc buôn bán chủ yếu lấy công làm lời. Khách hàng của chị là dân bốc vác hàng hóa và các chủ ghe, nếu lấy giá cao thìkhông ai mua.

Vọng ước mai sau

Ngày trước, tại khúc sông Hậu này có tới vài chục chiếc xuồng, ghe tam bản chuyên phục vụ cà-phê trên sông. Theo dòng chảy thời gian, việc bán buôn ế ẩm, nhiều chị đã lên bờ mưu sinh bằng những ngành nghề khác. Hiện tại, ở khúc sông chợ nổi này chỉ còn 6 đầu xuồng chuyên bán cà-phê và các món ăn...

Để thu hút khách, chị Trần Thi Tuyết (46 tuổi) đã nghĩ ra cách, vừa bán cà-phê, vừa phục vụ các món ăn dân dã để người dân chợ nổi ấm bụng vào buổi sớm mai. Nhờ cách làm đó, chị Tuyết đã duy trì được nghề này trên sông cho đến hôm nay. 

“Mẹ tui là người đầu tiên chèo xuồng đi bán cà-phê trên sông Hậu. Đến đời của tui, mới bổ sung thêm bán thức ăn trên chợ nổi, phục vụ luôn cả khách du lịch”- chị Tuyết vừa trụn tô bún riêu cua nghi ngút khói cho khách, vừa kể.

Buôn bán trên sông phục vụ tận nơi, chị Tuyết rất chiều lòng thực khách và thay đổi món ăn liên tục. Nếu hôm nay bán bún cua thì những ngày sau chị bán bún chả giò, bún thịt xào, bún khô, bánh tằm... Những anh bốc vác, da đen nhẻm, ngày nào cũng đợi chiếc xuồng hàng của chị để thưởng thức món ăn mới bắt tay vào công việc ngày mới. Những du khách ghé thăm chợ nổi, mỗi lần thưởng thức món ăn của chị đều ngợi khen.

Anh Nguyễn Văn Long, du khách ở Sài Gòn bưng tô bún riêu cua húp xì xụp, toát mồ hôi cười khoái trí cho biết: “Ở đất Sài Gòn làm gì có ai bán bún độc chiêu như vậy. Sáng sớm, đi chợ nổi được ngắm cảnh sông nước thơ mộng, ngồi ăn tô bún hương thơm ngào ngạt giữa dòng nước mênh mông, đã thiệt”.

Nghề bán cà-phê trên sông tuy nhẹ nhàng nhưng hiểm nguy rình rập, bởi những con sóng vô tình mùa gió chướng hoặc ghe tàu lớn chạy với vận tốc cao nổi sóng sẽ quật úp những chiếc xuồng bé nhỏ của họ. “Nhiều chiếc xuồng bán cà-phê, thức ăn bị chìm. Hôm rồi, xuồng của tui cũng bị chìm do gặp sóng to, gió lớn. Toàn bộ vật dụng trên xuồng bị chìm xuống sông, mất hết” - chị Vàng nhớ lại. Khi hỏi về ước vọng của các chị về cuộc sống mai sau, các chị đều có chung mong ước giản đơn: “Muốn có công việc khác ổn định để cuộc sống đỡ vất vả, không dầm mưa dãi nắng nữa”.

Chia tay các chị cũng là lúc những tia nắng chói chang lướt qua chợ nổi, dòng sông Hậu cứ lặng lẽ dõi theo cuộc đời mưu sinh của họ. Rồi đây, khi nhịp sống đổi thay, không biết cái bình dị, cái cốt cách dân dã rặt phương Nam mà các cô, các chị đã mang đến cho chợ nổi liệu có tồn tại mãi theo thời gian.

Bài, ảnh: THÀNH CHINH