“Săn” ve sầu về đêm

04/05/2018 - 06:46

 - Tháng 5, khi những bông hoa phượng nở đỏ rực, lũ ve sầu râm rang những bản giao hưởng buồn thì nghề “săn” ve sầu cũng trở nên rộn rã. Tương tự như dế cơm, bọ rầy, ve sầu chỉ có theo mùa và được xem là đặc sản vùng Bảy Núi.

Lắng nghe “nhạc sĩ mùa hè”

Khi mặt trời khuất dần sau dãy núi cũng là lúc những người “săn” ve sầu bắt đầu cho 1 buổi làm ăn. Phần nhiều trong số đó là những nhóm trẻ em người dân tộc Khmer, được hướng dẫn bởi vài người lớn có kinh nghiệm. Công việc bắt ve không khó nhưng vất vả ở chỗ, phải len lỏi theo các chân núi vào ban đêm.

Chúng tôi theo chân nhóm “thợ săn” của anh Chau Kim Hane (xã Núi Tô, Tri Tôn) để trải nghiệm buổi “săn” ve đầy thú vị. Từ tuyến lộ nhựa Tri Tôn - Cô Tô, nhóm anh Hane đi bộ khoảng 3 cây số, vào sâu gần chân núi Tô (Phụng Hoàng sơn). “Phải chọn khu vực có nhiều cây cổ thụ ve mới trú ẩn nhiều. Đồng thời, phải đi sớm để tránh “đụng” những nhóm “thợ săn” khác”- anh Hane kinh nghiệm.

Tìm ve sầu trong các bụi cây

Dụng cụ để bắt ve sầu khá đơn giản, chỉ cần 1 chiếc đèn pin và chai nhựa khoảng 1,5 lít pha loãng nước muối là đủ. Ánh đèn pin soi đến đâu, nhóm trẻ em Khmer lao theo đến đó. 1 con, 2 con, 3 con... những chú ve sầu chưa kịp lột xác, mọc cánh bay lên đã nằm gọn trong tay các “thợ săn” nhí. “Chiến lợi phẩm” được cho vào chai nước muối pha loãng.

“Sau khi giao phối, ve cái đào những rãnh nhỏ lên vỏ cây và đẻ trứng vào đó. Mỗi con có thể đẻ vài trăm trứng. Khi trứng nở, ấu trùng ve rơi xuống và chui vào trong đất. Sau khi lột xác, mọc cánh, ve trưởng thành lại bay lên các cành cây, cất tiếng kêu rỉ rả suốt mùa hè. Lắng nghe âm thanh của ve, có thể biết được nơi nào chúng sống tập trung nhiều. Khi bắt ve, chủ yếu canh giai đoạn chúng vừa chui lên từ lòng đất, bò lên thân cây, bụi cỏ, bởi lúc này ve chưa bay được, thịt ve mềm, béo ngậy. Muốn bắt ve non hơn thì để ý những đụn đất nhỏ nơi ve còn nằm phía dưới” - anh Hane chia sẻ.

Nhìn ghê ghê nhưng ăn rất ngon

Buổi tối, dưới chân núi Tô có đến vài chục chiếc đèn soi bắt ve. Những gốc cây cổ thụ như xoài, đào lộn hột, me… là địa điểm yêu thích của lũ trẻ Khmer. Những chú ve non mới chui lên từ đất, để lộ cả thân hình vàng óng, non tơ dưới ánh đèn pin trông rất hấp dẫn. Chẳng mấy chốc, chai nhựa mang theo đã đầy ắp những lớp ve. Theo các “thợ săn”, việc bỏ ve vào nước muối pha lãng nhằm làm sạch các ấu trùng khác bám vào thân ve, đồng thời cũng làm cho chúng không thể lột xác, mọc cánh và già đi vì khi đó, ve sẽ không còn thơm ngon.

Một chú ve non chưa kịp bay lên

Khoảng 20 giờ tối, những ánh đèn pin bắt đầu thưa dần. Nhóm của anh Chau Kim Hane cũng quyết định “rút quân” sau 1 buổi làm ăn kha khá. “Càng về đêm, ve sữa còn rất ít bởi phần lớn đã lột xác và bay lên cây. Khi đó, thanh âm từ đàn ve càng vang rền giữa màn đêm. Hiện nay, trời còn nắng nóng nên mỗi đêm chúng tôi chỉ bắt khoảng 200-300 con ve. Khi mùa mưa đến, cỏ cây tươi tốt, đất đai ẩm ướt, lượng ve sữa sẽ tăng gấp đôi. Chịu khó đi bắt khoảng 2 tiếng đồng hồ, mấy đứa nhóc cũng có được vài chục ngàn bỏ túi để đi học”- anh Hane bộc bạch.

Những ai chưa quen, nhìn con ve sữa có vẻ ghê ghê nhưng với người dân vùng Bảy Núi, đây là món đặc sản không thể thiếu vào mùa hè. “Ve sữa sau khi mang về, phải ngâm thêm nước muối, rửa lại vài lần cho sạch đất, ký sinh trùng trên ve, nếu kỹ hơn có thể ngắt cánh, chân nhưng để nguyên cũng không sao. Thơm ngon nhất là làm món ve sữa chiên nước mắm. Cách chế biến cũng đơn giản. Bắc chảo dầu cho nóng, bỏ vào một mớ tép tỏi còn nguyên vỏ rồi cho ve sâu vô, đảo đều nhanh tay khoảng 1-2 phút. Khi ve chín chan một ít nước mắm vào, đảo nhanh rồi tắt bếp. Ve sầu chiên nước mắm rất thơm và béo ngậy, ăn cùng cơm trắng rất ngon hoặc làm mồi nhậu thì lai rai hoài không chán. Ve sữa có thể chiên không cần nước mắm rồi trải lên dĩa rau, cà chua, chấm muối tiêu chanh cũng rất hấp dẫn”- chị Lương Thị Thủy (thị trấn Tri Tôn) chia sẻ.

Dù có những nhóm “thợ săn” ve chuyên nghiệp nhưng do đặc thù vùng Bảy Núi có rất nhiều rừng cây rậm rạp, lượng ve sữa bị bắt ven chân núi không là bao so với tổng đàn ve trong vùng. Mùa hè, đến Bảy Núi, tiếng ve vẫn râm rang.

Ve sữa đầu mùa hiện có giá khoảng 200.000 đồng/kg. Không chỉ có mặt trong các bữa cơm giản dị của người dân vùng Bảy Núi, ve sầu còn là món đặc sản “ăn là ghiền” ở các nhà hàng, quán ăn.

 

Bài, ảnh: NGUYÊN ANH