“Tam nông” ở Tri Tôn

23/08/2018 - 06:38

 - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (NN-ND-NT), diện tích gieo trồng của huyện Tri Tôn tăng thêm gần 37%, giá trị sản xuất (SX) nông - lâm - thủy sản (khu vực 1 - KV1) tăng gần 68%, đời sống ND được nâng lên đáng kể. Địa phương tập trung tái cơ cấu NN, thu hút đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, NN ứng dụng công nghệ cao, liên kết SX…

Tổ chức làm ăn lớn

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn cho biết, năm 2008, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 81.536ha, giá trị SX KV1 đạt hơn 762,7 tỷ đồng. Đến năm 2017, tổng diện tích gieo trồng tăng lên 111.503ha, giá trị SX KV1 (theo giá so sánh 2010) đạt 5.162 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất vào NN (3.716,8 tỷ đồng), kế đến là lâm nghiệp (335,22 tỷ đồng), thủy sản (gần 180,7 tỷ đồng). Nếu như năm 2008, giá trị SX đạt gần 41,7 triệu đồng/ha/năm thì năm 2017 đạt hơn 118 triệu đồng/ha/năm. Nền NN huyện Tri Tôn từng bước hướng đến SX tập trung, hình thành các “Cánh đồng lớn”, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp (DN) từ khâu SX đến tiêu thụ sản phẩm.

Với lợi thế đất NN rộng lớn cùng thiện chí mời gọi đầu tư, đến cuối năm 2017, Tri Tôn đã thu hút được 14 DN đầu tư, tập trung chủ yếu vào xây dựng nhà kho, chế biến nông sản, chưng cất tinh dầu trầm hương, trồng cây dược liệu, SX lúa giống chất lượng cao, cung cấp vật tư NN, trồng chuối cấy mô, chăn nuôi bò, heo, liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm NN… với tổng trị giá đầu tư hơn 1.531,6 tỷ đồng. Đối với địa bàn đầu tư, các DN lựa chọn những xã có lợi thế về trồng lúa và cây dược liệu như: Vĩnh Gia, Lạc Quới, Lương An Trà, Vĩnh Phước, Lê Trì, Tà Đảnh và Tân Tuyến.

Tri Tôn phát huy lợi thế nông nghiệp

Tri Tôn phát huy lợi thế nông nghiệp

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho biết, giai đoạn 2008 - 2017, huyện đã huy động, lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện để tập trung đầu tư các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, điện, nước, giáo dục và đào tạo, y tế… với tổng kinh phí gần 13.575 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống hồ chứa nước phục vụ SX, sinh hoạt vùng núi (Ô Tà Sóc, Soài So, Soài Chek, Ô Thum…) trị giá gần 265,5 tỷ đồng; hệ thống giao thông, cầu, thủy lợi nội đồng… trị giá gần 727,6 tỷ đồng.

10 năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện Tri Tôn chiếm 28%, giải quyết việc làm trên 36.600 lao động (trong tỉnh 10.200, ngoài tỉnh 26.400 lao động). Huyện cố gắng thực hiện tốt các giải pháp giảm nghèo như: tạo thêm việc làm, nguồn vốn, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, ổn định đời sống Nhân dân (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer), hỗ trợ giải quyết kịp thời vốn vay phát triển kinh tế, mua bán nhỏ… qua đó, giảm hộ nghèo bình quân từ 2,5 - 3%/năm.

Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng

Bí thư Huyện ủy Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, Đảng bộ huyện hiện có 62 chi, đảng bộ trực thuộc (15 đảng bộ xã, thị trấn, 8 đảng bộ ngành và 38 chi bộ; có 237 tổ chức cơ sở Đảng) với 3.486 đảng viên, chiếm 2,58% dân số. Các tổ chức cơ sở Đảng đã nhận thức đúng, thực hiện tốt chức năng hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; quán triệt sâu sắc quan điểm về NN - ND - NT và xây dựng NT mới trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

“Hầu hết các tổ chức cơ sở Đảng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch phù hợp với từng địa phương, đơn vị, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhiều Cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã nêu cao vai trò gương mẫu, xung kích đi đầu vào những công việc khó như: xây dựng các mô hình phát triển SX hiệu quả, xây dựng cầu, đường giao thông NT… Công tác cải cách hành chính được chú trọng. Tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử của cán bộ, công chức hành chính các cấp được nâng lên, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của DN và người dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương” - ông Liêm đánh giá.

Đối với MTTQ và các đoàn thể, luôn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng sát dân, gần dân, hiểu dân hơn; thể hiện vai trò, trách nhiệm trong xây dựng NT mới với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút được đông đảo người dân tham gia như: các mô hình vận động người dân đóng góp xây dựng cầu, đường NT, mua xe cứu thương phục vụ bệnh nhân nghèo miễn phí, mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, nuôi heo đất, tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn… Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở NT.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN