“Tiếp sức” cho rau an toàn

19/03/2018 - 19:31

 - Nhằm tạo điều kiện để rau an toàn (RAT) đến với thị trường, Hội Nông dân (ND) huyện Châu Phú đã thực hiện vai trò cầu nối và hỗ trợ vốn để phát triển mô hình và có những bước tiến khả quan.

Chủ tịch Hội ND huyện Châu Phú Huỳnh Minh Ngọc cho biết: “ND Châu Phú có kinh nghiệm trong việc canh tác RAT, nhất là những địa phương như: Bình Thủy, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây. Đa số bà con đều nhận thức được ý nghĩa của RAT đối với sức khỏe cộng đồng, vì vậy khi chúng tôi triển khai mô hình nhiều ND sẵn sàng ủng hộ. Với họ, việc canh tác RAT không khó nếu được hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ và có đầu ra ổn định”.

Trong các xã của huyện Châu Phú, Bình Thủy được xem là vùng chuyên canh rẫy nên việc phát triển mô hình tại đây khá thuận lợi. Chủ tịch Hội ND xã Bình Thủy Trương Minh Quyền cho biết, địa phương đang duy trì, phát triển mô hình sản xuất RAT với diện tích 5ha.

Hiện, Hội ND xã đã sử dụng nguồn quỹ Hỗ trợ ND để phát triển mô hình và thu được kết quả khả quan. Đồng thời, UBND xã Bình Thủy thống nhất hỗ trợ mặt bằng để Tổ hợp tác (THT) xây dựng điểm kinh doanh RAT. Điểm kinh doanh này sẽ do ông Nguyễn Nhựt Thọ quản lý, chịu trách nhiệm bán sản phẩm rau của THT, đồng thời kết nối với các khách hàng có nhu cầu để tạo thêm đầu ra.

Ông Thọ chia sẻ: “Tôi là thành viên trong THT nên mong muốn sản phẩm do anh em làm ra được thị trường đón nhận. Khi có điểm kinh doanh RAT, bà con có thể đến tìm những sản phẩm mình mong muốn. Người dân Bình Thủy không còn xa lạ với khái niệm RAT, tuy nhiên việc có được điểm kinh doanh rau sẽ tạo thêm niềm tin nơi bà con”.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổ trưởng THT sản xuất RAT xã Bình Thủy thật tình: “Đối với ND xã Bình Thủy, việc canh tác RAT không khó bởi ai cũng có kinh nghiệm trong sản xuất hoa màu. Hiện tại, những anh em trong THT đã thực hiện tốt việc phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng quy trình và đảm bảo thời gian cách ly. Hơn nữa, chúng tôi chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép của ngành chuyên môn, sản phẩm sản xuất ra chắc chắn đạt chuẩn an toàn”.

Điều ông Khanh và những ND trong THT quan tâm hiện nay là tìm được đầu ra cho sản phẩm. Khi được vay vốn để xây dựng điểm kinh doanh, tất cả các thành viên đều phấn khởi. 

Ngoài xứ rẫy Bình Thủy, Hội ND huyện Châu Phú còn tiếp tục hỗ trợ xây dựng THT sản xuất RAT Hưng Thịnh (xã Thạnh Mỹ Tây). Hiện tại, THT này đã có sản phẩm bán ra thị trường với bao bì, nhãn mác riêng. Theo đó, Hội ND huyện Châu Phú sẽ là đơn vị trung gian hỗ trợ việc thành lập điểm bán RAT để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

“Ngoài ra, chúng tôi đang hỗ trợ vốn để phát triển mô hình RAT tại xã Bình Long với diện tích canh tác 3.000m2. Hội ND huyện sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ từ nguồn quỹ Hỗ trợ ND. Nếu 3 hộ này thực hiện có kết quả thì chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác RAT tại địa phương” - ông Ngọc cho hay.

Thực tế, để phát triển RAT không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng mô hình mà quan trọng là đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi được người tiêu dùng chấp nhận thì RAT mới có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. “Việc cho ra sản phẩm RAT là điều cần thiết nhưng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Như thế, cây RAT mới có thể phát triển bền vững và góp phần trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng” - ông Huỳnh Minh Ngọc xác định.

THANH TIẾN