“Tín dụng đen” núp bóng doanh nghiệp

09/11/2018 - 20:23

Thông qua các công ty hỗ trợ, dịch vụ tài chính, nhiều cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay tiền với thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp. Nhiều người do không tìm hiểu kỹ đã "sập" bẫy lừa, bởi đằng sau những lời quảng cáo rầm rộ này là những chiếc bẫy lãi suất cao giăng sẵn.

Muôn kiểu siết nợ

Khoảng 9h sáng 15-10-2018, chị Lê Thị K.L., trú tại phường Bến Thủy, TP. Vinh đang đi bộ gần nhà thì bất ngờ bị Nguyễn Văn Quý, trú tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh - là Giám đốc công ty TNHH xây dựng và dịch vụ thương mại Đình Quý cùng nhân viên của công ty này lao đến chặn đường rồi lôi lên chiếc taxi chờ sẵn. Chị K.L. sau đó bị đưa về trụ sở công ty trên đường Nguyễn Huy Oánh, phường Trường Thi, TP. Vinh. Tại đây, Quý cùng 3 nhân viên của mình thay nhau dùng tay chân đấm đá vào người chị nhằm đòi số tiền chị L. còn thiếu (theo nạn nhân khai là 5 triệu đồng). 

Nhan nhản các công ty tài chính hoạt động trên địa bàn TP Vinh.

Sau hơn 5 giờ đồng hồ giữ người trái pháp luật, vụ việc được người dân phát hiện, trình báo cơ quan công an. Ngay sau đó, Công an TP Vinh nhanh chóng có mặt tại trụ sở công ty này để giải cứu, đưa chị K.L. đến bệnh viện, đồng thời tạm giữ  hình sự Nguyễn Văn Quý cùng 3 nhân viên của anh ta và nhiều tang vật liên quan. 

Trước đó không lâu, Công an TP Vinh cũng đã bắt giữ bắt giữ Nguyễn Thanh Hùng, sinh năm 1970, trú tại phường Trung Đô cùng 4 đàn em về hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân trong vụ việc là chị Đoàn Thị Đ., trú tại phường Lê Mao, vay nặng lãi của Hùng 100 triệu đồng. Đến hạn không trả, Hùng kéo theo đàn em mang theo dao, kiếm đến bắt cóc chị Đ. đồng thời yêu cầu gia đình mang tiền đến trả.

Không chỉ ở thành phố, nhiều địa phương nông thôn tại Nghệ An cũng xảy ra các vụ đòi nợ tương tự. Hình thức chủ yếu hiện nay là uy hiếp tinh thần, làm cho con nợ mất hết danh dự, uy tín. Những người đi đòi nợ thường là những kẻ có tiền án, tiền sự. Để đòi được tiền, nhóm người này ngoài việc kiên nhẫn bám theo con nợ, mang cơm đến ăn ngủ trước cửa nhà, chúng còn sử dụng nhiều biện pháp rêu rao, nói xấu để gây áp lực, thậm chí mang cả quan tài đến đặt trước nhà.

Núp bóng doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính đang có xu hướng phát triển và mở rộng ra nhiều địa bàn. Khách hàng hướng đến là mọi đối tượng có nhu cầu trong xã hội, kể cả học sinh, sinh viên, những người có thu nhập thấp, thậm chí cả người nghèo. Ngoài thủ tục nhanh gọn, nhiều cá nhân, tổ chức thường tìm đến tín dụng đen vì dễ tiếp cận vốn mà không cần phải chứng minh tài sản. 

Do vậy, mặc dù tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng phức tạp đến an ninh trật tự nhưng dịch vụ này vẫn phát triển và thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Các công ty này công khai bằng cách dán những tờ rơi, quảng cáo khắp nơi. Trên mạng xã hội cũng không khó để bắt gặp những hình ảnh chào mời hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở thậm chí còn dán biển với nội dung "lãi suất 0%" để thu hút khách hàng.

Cần siết chặt quản lý

Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự, Đoàn luật sư Nghệ An cho biết: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp muốn hoạt động trong lĩnh vực tài chính rất thuận lợi và dễ dàng, vì không thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế.

Do đó, trên thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tổ chức nhiều hoạt động như mua bán; ký gửi tài sản có giá trị; hỗ trợ, cho vay tiền dưới hình thức tín dụng không phải thế chấp tài sản; thủ tục vay đơn giản, không ràng buộc gì. Chỉ cần ghi thông tin người vay hoặc một số giấy tờ như sổ hộ khẩu, CMND, giấy đăng ký xe… là có thể vay được một khoản tiền theo nhu cầu. 

Ngoài ra, theo quy định của Điều 463 Bộ luật Dân sự thì "Hợp đồng vay tài sản là thỏa thuận giữa các bên", nhưng cũng chưa nói rõ tài sản trong quy định này phải trừ việc cho vay tiền, vì nếu cho vay tiền và có xác định lãi suất thì đây lại thuộc hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật ngân hàng Nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng. Như vậy, trong vấn đề này, đến nay chưa có sự thống nhất trong hệ thống luật. Dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước rất khó xử lý.

Trung tá Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết thêm, hoạt động kinh doanh tài chính này không phải ngành nghề nằm trong danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay hoạt động kinh doanh "dịch vụ tư vấn tài chính"  không bị điều chỉnh bởi các quy định điều kiện hoạt động đối với các ngành, nghề kinh doanh trong lĩnh vực tài chính cũng như các quy định điều kiện về ANTT nên trong quá trình hoạt động, đã né tránh được sự quản lý từ các cơ quan nhà nước.

Hiện nay, thủ tục thành lập công ty này rất đơn giản, với mức phí 2 triệu đồng. Do không nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện nên một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự theo Nghị định 96, đã chuyển hướng sang hình thức kinh doanh này để tránh những yêu cầu về giấy phép. 

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh này để biến tướng các hoạt động cầm cố, thế chấp, góp phần làm phức tạp ANTT. Đây được cho là mấu chốt phát sinh những loại tội phạm như siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng…

Theo THIỆN THÀNH (Công An Nhân Dân)