10 năm thực hiện chính sách “Tam nông” ở An Giang

03/07/2018 - 07:26

 - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp (NN), nông dân (ND), nông thôn (gọi tắt là “Tam nông”), tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, các quy hoạch phát triển NN, nông thôn; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

An Phú là huyện đầu nguồn, biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh. Với xuất phát điểm rất thấp, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), tình hình kinh tế - xã hội phát triển rõ rệt. Theo đó, giá trị sản xuất (SX) ngành nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 8,77%/năm, trong đó giá trị SX ngành NN tăng gấp đôi so năm 2008.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, hầu hết các xã, thị trấn đã hoàn thành quy hoạch tổng thể đến năm 2020, tập trung phát triển: hạ tầng, giao thông vận tải, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển nguồn nhân lực…

Đặc biệt, huyện An Phú đã hình thành các vùng chuyên canh, như: vùng SX lúa an toàn sinh học tập trung (hơn 300ha) ở 2 xã Phú Hữu, Vĩnh Lộc và nhân rộng toàn huyện (mỗi năm trên 700ha); vùng chuyên canh bắp lai ở các xã Khánh An, Khánh Bình, Quốc Thái, Phú Hữu; vùng chuyên canh đậu phộng (trên 230ha) ở xã Phú Hữu, Đa Phước, Phước Hưng; vùng chuyên canh xoài (trên 800ha) ở Khánh Bình, Long Bình, Khánh An…

Tiếp nhận và triển khai các dự án VnSAT cho 6 xã với 3.100ha đất trồng lúa, giúp ND chuyển đổi phương thức SXNN theo hướng bền vững; dự án kiểm soát lũ vùng thượng nguồn sông Mekong (WB9) cho 3 xã bờ Đông sông Hậu (Phú Hữu, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc) trị giá gần 652 tỷ đồng, nhằm kiểm soát lũ tháng 8 và bảo vệ cơ sở hạ tầng, giúp ND phát triển các mô hình sinh kế mới…

Qua triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tam nông”, ngành NN tiếp tục giữ vai trò nền tảng, xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến, nhất là SX theo chuỗi giá trị (“Cánh đồng lớn” gắn với HTX kiểu mới). Minh chứng rõ nhất là, trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, An Giang có đến 108/120 xã NT đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 90%), đến cuối năm 2017 có 33/119 xã được công nhận xã NTM, 8 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 44 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 34 xã đạt 5 - 9 tiêu chí (TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc có 100% xã đạt chuẩn NTM)…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Thị Thanh Vân cho biết: Nếu trong cơ cấu kinh tế năm 2008, lĩnh vực dịch vụ chiếm 51,39%, NN 37,16%, công nghiệp và xây dựng chiếm 11,45% thì đến nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: dịch vụ chiếm 52,45%, công nghiệp và xây dựng 14,74% và NN 31,13%. Toàn tỉnh có 29 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 15.661 lao động (trong đó 20 làng nghề được UBND tỉnh công nhận). Mỗi năm, giá trị SX bình quân khoảng 320 tỷ đồng, xuất khẩu gần 2 triệu USD. 

Giám đốc Sở Y tế Từ Quốc Tuấn cho biết: mạng lưới khám, chữa bệnh gồm 16 cơ sở công lập với quy mô 3.580 giường bệnh, trong đó có 6 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh với 2.360 giường bệnh, 11 phòng khám đa khoa khu vực (250 giường bệnh), 156 trạm y tế xã (1.560 giường bệnh). Tỉnh đầu tư xây mới 11 BV đa khoa huyện, 11 Trung tâm y tế, 85 Trạm y tế… Bên cạnh đầu tư hệ thống y tế cơ sở, nhiều công trình tuyến tỉnh cũng được đầu tư: BV Đa khoa Trung tâm An Giang (900 giường), BV Đa khoa khu vực Châu Đốc (600 giường), mở rộng và đầu tư thiết bị BV Tim mạch…

Đặc biệt năm 2017, đã triển khai phẫu thuật tim hở tại Bệnh viện Tim mạch An Giang; các BV tuyến huyện đảm bảo thực hiện được các kỹ thuật khám, chữa bệnh đa khoa theo tuyến và phát triển thêm một số kỹ thuật tuyến tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực y tế cơ sở, giải quyết tình trạng quá tải BV, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe Nhân dân.  

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Xây dựng nền NN theo hướng SX hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”. Nhất là tạo tiền đề cho triển khai công nghệ 4.0 vào SXNN, tỉnh xác định phương châm “đột phá NN, kết hợp phát triển du lịch và nguồn nhân lực”, và tiếp tục khẳng định vai trò của “Tam nông” trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030: duy trì tốc độ tăng trưởng ngành NN bình quân 2%/năm, tỷ trọng NN trong tổng GDP của tỉnh là 24%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%/tổng dân số, tỷ lệ hộ nghèo dưới 2,5% (chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020). Toàn tỉnh phấn đấu có 95/119 xã NTM, 17 xã chuẩn “Xã NTM” theo bộ tiêu chí nâng cao và có thêm 1 huyện đạt chuẩn “Huyện NTM”…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi cho rằng: An Giang có 69% dân số NT, 43% lao động trong lĩnh vực NN, tỷ trọng ngành NN chiếm 31,13% cơ cấu kinh tế. Do đó, cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Tam nông”, tuy nhiên phải có sự điều chỉnh để các chính sách vận hành theo quy luật, phù hợp thực tiễn, đi vào cuộc sống. Nhất là cơ chế, chính sách về đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào SX, chọn tạo giống tốt, hỗ trợ giảm chi phí Logistics và đầu tư SX thích ứng biến đổi khí hậu… 

 

HỮU HUYNH