18 bác sĩ tách thành công cặp song sinh dính liền phần gan

02/10/2019 - 14:34

Ca phẫu thuật với sự tham gia của 18 bác sĩ (BS) gồm ekip phẫu thuật và gây mê hồi sức đã tách thành công hai bé sơ sinh dính liền phần gan.

Trưa 2-10, BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết các BS tại BV đã phẫu thuật tách rời thành công cặp bé gái song sinh (1,5 tháng tuổi) dính liền nhau ở phần bụng. Ca phẫu thuật có sự tham gia của 18 BS gồm ekip phẫu thuật và gây mê hồi sức, chưa kể hậu phẫu.

Êkip phẫu thuật đang tiến hành tách rời hai bé. Ảnh: BVCC

Vào lúc 8 giờ, hai bé được bắt đầu gây mê, thời gian gây mê kéo dài hơn dự kiến do một bé yếu hơn. Đến 10 giờ 15 phút, êkip mổ chính thức rạch dao đầu tiên để tiến hành tách rời hai cơ thể. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi như kế hoạch ban đầu. Đến 11 giờ 15 phút, hai bé được tách rời thành công.

Trước đó, sản phụ (ngụ Quảng Nam) chẩn đoán tiền sản tại BV Từ Dũ (TP.HCM) phát hiện hai bé gái song sinh có bụng dính nhau, từ phần ức đi xuống. Hai bé được BV Từ Dũ và BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) phối hợp, theo dõi sát. Khi hai bé được mổ bắt con tại BV Từ Dũ thì ngay sau đó đã được đưa về BV Nhi đồng 1 để nuôi dưỡng và tiến hành phẫu thuật để tách rời.

Hai bé được phẫu thuật tách rời phần dính liền. Ảnh: BVCC

Tại BV Nhi đồng 1, các kết quả kiểm tra cho thấy hai bé có phần gan dính nhau, thông nối mạch máu lớn trong gan. Ngoài dính nhau phần gan, chưa phát hiện các dị tật về hệ tiêu hóa, tim mạch.

Lúc tiến hành phẫu thuật, cân nặng của hai bé đạt được 7,9 kg so với lúc mới sinh chỉ 4kg. Sở dĩ ca phẫu thuật được tiến hành lúc hai bé 1,5 tháng vì nếu thực hiện trễ hơn sẽ nguy hiểm cho tính mạng của các bé, đồng thời ảnh hưởng tâm lý người nhà. Dự kiến ca phẫu thuật sẽ kéo dài 4 tiếng.

Hai bé đã được tách rời, một bé đang được phẫu thuật đóng ổ bụng. Ảnh: BVCC

Nói về khó khăn của ca phẫu thuật, BS Hiếu cho biết hai bé song sinh còn rất nhỏ nên phần gan rất dễ vỡ, màng bao gan không dai như trẻ lớn.

“Khi gan vỡ, máu chảy sẽ rất khó cầm nên êkip phẫu thuật phải rất thận trọng trong khâu cắt gan, cầm máu, kiểm soát khống chế mạch máu thông nối giữa hai bên. Đối với trẻ lớn, mất 100cc máu chưa ảnh hưởng gì nhiều nhưng ở những bé nhỏ, mất 80-100 cc sẽ tác động huyết học rất nguy hiểm”, BS Hiếu phân tích.

Cũng theo BS Hiếu sau khi mổ hai bé sẽ bị thiếu da nên đòi hỏi êkip phẫu thuật phải phủ da khéo léo để che kín phần ngực, đảm bảo thẩm mỹ cho hai bé được bình thường như bao bé khác.

Theo PLO