20 năm chí nghĩa, chí tình!

26/07/2019 - 07:29

 - Ông Đỗ Văn Long (sinh năm 1942, ngụ xã Khánh An, An Phú) cùng gia đình lưu luyến nhìn lại hài cốt của liệt sĩ Đỗ Thị Liên (sinh năm 1952) khi những nắm đất dần phủ lên miệng huyệt. Em gái của ông hy sinh lúc 18 tuổi, được chôn ở Vạt Lài (Campuchia), mà 50 năm nay ông mới tìm thấy. Lực lượng tìm thấy hài cốt của bà Liên chính là Đội K93 - những người dành gần 20 năm đi tìm đồng đội đã hy sinh.

20 năm chí nghĩa, chí tình!

Đội K93 cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: NGỌC HUỲNH

Nhiều năm nay, Ban Chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 515, tiền thân là Ban Chỉ đạo 1237) tỉnh An Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng chuyên trách K93 thực hiện nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và trên địa bàn tỉnh TaKeo, Kom Pong Spư (Vương quốc Campuchia). Thấm thoắt đã 18 năm Đội K93 đi tìm đồng đội, kể từ ngày được thành lập (23-11-2000). Họ miệt mài đi tìm dấu tích còn sót lại của đồng đội mình. Những chuyến đi nối tiếp nhau, chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Vừa cải táng xong đợt hài cốt này, họ lại sẵn sàng cho chuyến đi mới. Đã thành thông lệ, mỗi năm họ dành 8 tháng qua Campuchia, rồi lại dành thêm 2 tháng tìm kiếm ở nội địa. Vỏn vẹn 2 tháng còn lại là dành để học tập chính trị, rèn luyện, gặp gỡ gia đình, ăn Tết. 

Đội K93 có gần 70 thành viên. Người thì sắp về hưu, người mới đi nghĩa vụ, đang độ tuổi đôi mươi. Thành viên nào cũng đặc biệt, cũng sống trọn vẹn nghĩa tình với các liệt sĩ. Đại tá Phạm Quang Trung (Đội trưởng) là người gắn bó với đội kể từ ngày thành lập. Bên trong gương mặt khắc khổ, vóc dáng gầy gò của ông là một khối óc và trái tim đầy nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc đang làm, kể cả thời điểm ông sắp nghỉ hưu. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại tá Huỳnh Trí tuy không trực thuộc Đội K93, nhưng lại dành toàn bộ thời gian nghỉ hưu, sát cánh cùng đội để đi tìm hài cốt liệt sĩ - những người bạn, đồng đội cùng chiến đấu với ông, chẳng may nằm lại trong chiến tranh. Có giai đoạn, tìm kiếm mãi vẫn chưa thấy kết quả gì, trong khi năm mới gần kề, ông băn khoăn: “Hay là Tết này, mình ở lại ăn Tết với mấy chú, mấy anh cho họ ấm lòng?”. Đại tá Đinh Văn Cứng (Chính trị viên) cứ trăn trở: Đất nước đã hòa bình, bản thân được nhiều thành công như hôm nay, chẳng phải đều nhờ tất cả vào công lao của thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu? Trong khi đó, các anh hùng liệt sĩ còn nằm rải rác ở đâu đó xứ người. Suy nghĩ ấy thôi thúc ông đề đạt nguyện vọng cùng Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, xin tự nguyện từ Phòng Chính trị về Đội K93. Hơn 10 năm nay, ông sát cánh cùng đồng đội trên hành trình đặc biệt, chưa phút giây nào hối hận vì quyết định khi xưa. Dù rằng, đội rất nhiều bất tiện trong cách ăn ở, sinh hoạt trong thời gian tìm kiếm hài cốt, như: che lều bạt ngủ giữa đồng, ăn chén cơm chan đầy nước mưa, nắng cháy da giữa mùa hè, phải đối mặt với côn trùng nguy hiểm, với bệnh sốt rét rừng… 

20 năm chí nghĩa, chí tình!

Đưa các anh về với đất mẹ. Ảnh: THANH HÙNG

Trong chiều mưa rả rích, chúng tôi nghe họ tâm sự về công việc, nhưng họ rất ít nói về khó khăn, gian khổ, mà chỉ bày tỏ quyết tâm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đại tá Đinh Văn Cứng chia sẻ: “Chúng tôi khâm phục thế hệ đi trước chấp nhận đầu rơi máu chảy, hy sinh cho thế hệ sau có độc lập, tự do. Họ đối mặt với khó khăn, gian khổ 10 phần, thì hôm nay chúng tôi đi tìm họ, vất vả chỉ xem như 2-3 phần mà thôi, làm sao than vãn được? Có những bộ hài cốt chúng tôi tìm thấy không có đầu, hoặc tay, chân. Có liệt sĩ còn ít tiền xu trong túi, chưa kịp sử dụng. Có người được chôn ở mảnh đất sau này thành đường đi, mấy chục năm xe cộ lưu thông qua hài cốt… Bên cạnh đó, cả đội nhận được sự quan tâm, thương yêu rất nhiều từ tỉnh đến các sở, ngành, người dân 2 nước. Đó là những khích lệ to lớn để chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà Đảng, nhà nước, quân đội đã giao phó”.

Theo Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, khó khăn, hạn chế lớn nhất trong quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ của đội là công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cung cấp thông tin chưa thường xuyên, chưa sâu rộng, nhất là vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên số lượt người cung cấp thông tin ngày càng ít. Các đồng chí cựu chiến binh, người trực tiếp tham gia chiến đấu nay đã mất, hoặc lớn tuổi, trí nhớ giảm, cung cấp thông tin thiếu độ chính xác, ảnh hưởng kết quả quy tập. Mặt khác, địa điểm đóng quân lực lượng làm nhiệm vụ quy tập thường xa nơi khu dân cư, điều kiện sinh hoạt và công tác gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, chiến tranh đã qua lâu, địa hình địa vật thay đổi, do sự tác động của điều kiện tự nhiên, con người và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đó là chưa kể, số hài cốt khuyết danh luôn khiến mọi người nhói lòng. Hành trình đi tìm lại tên cho họ còn gian nan, vất vả trăm lần hành trình đi quy tập hài cốt!

Năm nay, tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” vẫn vang lên trong buổi quy tập, cải táng hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (Tịnh Biên). Đội K93 đã hoàn thành nhiệm vụ, khi đưa tiễn các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Ngày các anh, các chú trở về, bầu trời trong xanh vời vợi. Trong không gian đặc quánh xúc cảm, dường như xóa nhòa khoảng cách giữa thế hệ xưa và nay, giữa người còn sống và người đã khuất. Chỉ còn tiếng tim đập, dòng máu ấm cuồn cuộn trong lòng mỗi người, hòa với tiếng của hồn thiêng sông núi. Sau hôm ấy, Đội K93 lại lặng lẽ lên đường…

Từ giai đoạn I, mùa khô năm 2001-2002 đến giai đoạn XVIII, mùa khô năm 2018-2019, Đội K93 đã quy tập được 3.147 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia và trong nước. Trong đó 1.926 hài cốt được quy tập ở Campuchia (khuyết danh 1.676), 1.221 hài cốt trong nước (khuyết danh 1.092). Mỗi giai đoạn, đơn vị quy tập được từ 77-302 hài cốt.

KHÁNH HƯNG