3 bước để tiến đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2

24/01/2019 - 19:56

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được kỳ vọng sẽ dẫn tới một thỏa thuận thiết thực hơn về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Sau cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Triều Tiên Kim Yong-chol và Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo dài 90 phút tại phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng ngày 18-1, cả Triều Tiên và Mỹ đều thông báo ý định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2.

3 buoc de tien den hoi nghi thuong dinh my-trieu lan 2 hinh 1

AFP

Liệu cuộc gặp này có mang lại những kết quả tích cực hơn cuộc gặp lần trước hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn. Chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, với chính sách ngoại giao tích cực mở ra cơ hội hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên kéo dài gần 70 năm qua, hiện giờ đang kỳ vọng Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đạt được một thỏa thuận thiết thực hơn so với thỏa thuận đạt được hồi tháng 6/2018.

Việc thiếu các cam kết cụ thể tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 đã làm nhòa đi những kỳ vọng tại Washington về việc diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần 2. Bất chấp việc Tổng thống Trump nhiều lần trấn an người dân Mỹ rằng các cuộc đàm phán với Triều Tiên đang diễn ra rất tốt đẹp, sự hoài nghi tại Washington vẫn còn đó. Trong bài viết đăng trên tờ National Interest, ông Daniel DePetris, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Defense Priorities  cho rằng, để giảm thiểu nguy cơ thất bại và tăng cường cơ hội thành công cho hội nghị lần này, chính quyền Tổng thống Donald Trump nên xem xét một số đề xuất sau:

1. Kết nối Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều với một tiến trình cụ thể 

Một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất suốt thời gian qua kể từ khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần 1 tại Singapore là việc thiếu tiến trình đàm phán thực tiễn ở cấp độ chuyên viên. Đến nay, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng phần lớn chỉ được thúc đẩy ở cấp lãnh đạo. Tổng thống Trump và Chủ Tịch Kim Jong-un đã làm sống lại toàn bộ tiến trình đàm phán. Động lực ngoại giao kết hợp với năng lực và thiện chí của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã khiến các cuộc đàm phán trên đà phát triển. Tuy vậy, nhìn vào thực tế mà nói, những cuộc đàm phán cấp dưới Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo diễn ra rất ít ỏi. Chẳng hạn như phải mất 5 tháng kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần 1, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun mới có cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Triều Tiên tại Stockholm, Thụy Điển.

Van Jackson, giảng viên tại trường Đại học Wellington ở New Zealand, đồng thời là tác giả cuốn “Trên bờ vực” viết trên trang cá nhân Twitter rằng: “Tôi yêu thích nghiên cứu về vấn đề ngoại giao từ rất lâu rồi. Nhưng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều không phải là điều tôi thích. Tại sao như vậy? Bởi vì nó không kết nối với tiến trình cụ thể hoặc với những cá nhân hiểu rõ mọi thứ về công việc giám sát, xác minh và giải giáp vũ khí hạt nhân. Có cảm tưởng như đó chỉ là một vở diễn”. Bài học ở đây là nếu Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được gắn với một tiến trình chính thức mà ở đó các nhà đàm phán của cả hai bên được lãnh đạo trao quyền để thảo luận chuyên sâu về các chi tiết cụ thể liên quan đến việc xác minh và giải trừ hạt nhân, thì chắc chắn hội nghị này sẽ không đi vào vết xe đổ của hội nghị lần 1.

2. Hai bên cần linh hoạt hơn

Ngoại giao thành công là nghệ thuật biến những thứ không thể thành có thể. Hai bên cùng có mặt tại bàn đàm phán và cố gắng đi đến một thỏa thuận có thể chấp nhận được, trong đó đáp ứng được những yêu cầu cốt lõi của mỗi bên. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục theo đuổi lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Nhà Trắng đang yêu cầu Triều Tiên phải thực hiện các biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân một cách cụ thể và minh bạch trước khi đưa ra bất cứ sự nhượng bộ về kinh tế hoặc ngoại giao. Nói cách khác chỉ khi Triều Tiên thực hiện lộ trình phi hạt nhân hóa một cách “không thể đảo ngược”, nước này mới được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Về bản chất, Mỹ đang thực hiện cách tiếp cận theo kiểu “nước Mỹ trên hết” đối với toàn bộ quá trình đàm phán về vấn đề hạt nhân, đó là: “Làm theo những gì tôi muốn và sau đó tôi sẽ nhượng bộ anh”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không mấy hứng thú với cách tiếp cận này. Thực ra, nếu Triều Tiên áp dụng chiến lược đàm phán tương tự như chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi, Nhà Trắng chắc chắn sẽ cho rằng động thái của Triều Tiên là phi lý. Trước kia, khi còn là ông trùm bất động sản, Tổng thống Trump không bao giờ “liều lĩnh” cho không bất cứ thứ gì trong các thương vụ kinh doanh hoặc đàm phán thỏa thuận, vì thế không có lý gì ông lại hy vọng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ nhượng bộ hoàn toàn, đặc biệt là về chương trình hạt nhân – chương trình mà Bình Nhưỡng đã dành hơn 3 thập kỷ bỏ công nghiên cứu và phát triển. Nếu Mỹ từ chối chấp nhận cơ chế thực hiện từng bước các biện pháp phi hạt nhân hóa thì Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 sắp tới này chắc chắn sẽ không mang lại kết quả.

3. Bắt đầu từ những bước đi nhỏ

Tổng thống Trump rất yêu thích sự kịch tính. Sẽ không điều gì có thể khiến ông hài lòng hơn việc ngồi đàm phán cùng với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố rằng Triều Tiên đã nhất trí phá hủy đến đầu đạn hạt nhân cuối cùng trong kho vũ khí của mình và mở cửa các cơ sở hạt nhân để các chuyên gia quốc tế đến thẩm tra, giám sát. Tuy nhiên, kịch bản này khó có khả năng xảy ra. Nếu Tổng thống Trump yêu cầu quá nhiều, quá nhanh hoặc cố gắng đạt được một thỏa thuận lớn với Triều Tiên, ông sẽ dễ dàng bị thất bại.

Tiến trình đàm phán với Triều Tiên luôn mất nhiều thời gian và hàm chứa những rủi ro đối với Mỹ. Do vậy, thay vì phá vỡ thỏa thuận đã đạt được, Tổng thống Trump nên hối thúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa thêm nhiều cam kết cụ thể vào khung thỏa thuận đã đạt được ngày 12/6/2018.

Ông Devin Stewart, chuyên gia về châu Á tại Hội đồng Carnegie cho rằng, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên cần phải bắt đầu bằng những bước tiến nhỏ trước. “Đối với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần tới, ông Trump và ông Kim chỉ cần mang về “một chiến thắng” nhỏ cho các khán giả trong nước để duy trì động lực phi hạt nhân hóa”, Stewart nói. Ông cũng cho rằng, bất cứ điều gì quá sức đối với cả hai bên đều có thể làm lung lay nền tảng của các cuộc đàm phán./.

Theo HỒNG ANH (VOV)