30 năm “nhặt chữ” từ những cánh đồng

26/02/2018 - 05:50

 - Đó là cụm từ đẹp và tròn trịa mà giới văn nghệ sĩ đã dành tặng nhà văn, nhà báo Mai Bửu Minh. Người đã dành trọn 30 năm sáng tác hơn 30 đầu sách và nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật khác để chuyển tải hơi thở làng quê, đời sống bình dị cũng như những đổi thay từng ngày trên quê hương An Giang.

Anh Mai Bửu Minh (sinh năm 1961, tại làng Vĩnh Thạnh Trung, quận Châu Phú, nay là thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú), xuất thân từ gia đình trung nông nên từ nhỏ đã quen với đời sống ruộng đồng và sớm ấp ủ trở thành kỹ sư nông - lâm nghiệp. Năm 1984, anh hoàn thành ước mơ khi lấy được tấm bằng kỹ sư lâm nghiệp và được phân công về Lâm trường Bảy Núi (trực thuộc Sở Lâm nghiệp An Giang, tọa lạc tại thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn). Những tưởng anh đã an yên với công việc trồng rừng, vậy mà “nghề chọn người” là câu nói bình dân đã đúng với cuộc đời Mai Bửu Minh.

Lúc rảnh rỗi ở lâm trường, theo thói quen thời sinh viên anh nghĩ đến việc sáng tác thơ, ca khúc, kịch... gửi cộng tác nhiều tờ báo. Đến năm 1993, dù được chuyển công tác về quê nhà Châu Phú, bận bịu với công việc của Phó Giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh tổng hợp huyện nhưng anh luôn dành thời gian viết văn và xuất bản 12 quyển truyện dài và tiểu thuyết.

Rồi cái duyên đưa đẩy, đến năm 1996, anh được phân công làm Trưởng đài Truyền thanh huyện Châu Phú. Chính những ngày tháng lăn lộn tác nghiệp của một nhà báo đã làm giàu thêm vốn sống, chất liệu, cảm xúc cho các tác phẩm của anh sau này, để làm nên các danh hiệu “Nguyễn Nhật Ánh của thiếu nhi An Giang”, “nhà văn miệt ruộng”, “nhà báo nông dân”, “người nhặt chữ từ những cánh đồng” chính là cách gọi khác của bạn bè và bạn đọc gần xa dành tặng cho anh với tình cảm thân thương. 

Nhà văn Mai Bửu Minh

Đó chính là những hình ảnh, âm thanh trong veo, cảm xúc ngây ngô của những đứa trẻ vùng quê nghèo khó, gắn liền với ruộng đồng, những ngày thong dong chăn bò được thể hiện trong các tác phẩm “Vua nói dóc”, “Đốm lửa trên đồng”, “Chiến công siêu phàm”, giúp người lớn như được “một vé trở về tuổi thơ”, sống lại những ký ức êm đềm nơi miền sông nước.

Là phóng viên trẻ được anh tặng tập ký, phóng sự “Đường đến anh hùng” đã mở ra cho tôi một nhân sinh quan làm báo tích cực và niềm vui trải nghiệm với nghề, thấy được sự vất vả của nhà báo mới có thể chuyển tải hơi thở cuộc sống, hiện thực ngồn ngộn của xã hội qua những nhân vật, câu chuyện tại từng xã, ấp, như: ông Sáu Quý - “vua cầu treo”, “người xóa xóc chéo” mùa nước nổi ở An Giang, Thoại Sơn xây dựng nông thôn mới, chuyện chuyên nghiệp từ thiện của đội xe cứu thương Châu Phú.

Về tình cảm quê hương, tác phẩm “Quê mẹ xa xưa”, “Đốm lửa trên đồng”, “Đêm nói dóc” được tác giả yêu thích và tự hào nhất. “Thật ra, người làm nghệ thuật nào cũng thương và tâm huyết với đứa con tinh thần của mình. Không có tác phẩm nào nhất, mỗi quyển sách, vần thơ, nốt nhạc đều là tiếng lòng của nghệ sĩ, mong được tỏ bày và mong đâu đó có cùng sự rung cảm. Từ đó, có thể góp chút suy tư, trăn trở trước cuộc sống, khơi dậy những đức tính tốt đẹp về sự lạc quan, niềm tin “Đường tới hạnh phúc” để mỗi người chọn lựa cách sống ngày càng tốt đẹp hơn”- anh Mai Bửu Minh bộc bạch.

Từ năm 2005, anh được chuyển về Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, đến những năm 2007 - 2009 là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thất Sơn và hiện nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, anh càng thể hiện sự chín muồi, sâu sắc hơn trong sáng tác. Đồng thời, là người tập hợp, khơi dậy phong trào sáng tác trẻ khi thành lập “Gia đình áo trắng An Giang”, là “cánh chim đầu đàn” trong tổ chức các trại sáng tác, tạo động lực cho anh em văn nghệ sĩ thể hiện đam mê và sống hết mình với nghệ thuật.

Trong những danh hiệu, giải thưởng cao quý được sưu tầm suốt hơn 30 năm sáng tác, tôi nghĩ không có giải thưởng nào hạnh phúc hơn khi anh được 100 anh em văn nghệ sĩ, đồng nghiệp gần xa đến dự buổi tọa đàm kỷ niệm 30 năm sáng tác của anh, được trân trọng thành quả lao động, được sự hâm mộ khi trở thành một “kỹ sư xây dựng gia đình tài ba”, có đời sống lứa đôi rất hạnh phúc với nhà văn Hoàng Mai Quyên và cả 2 người con khi trưởng thành đều nối nghiệp viết lách của cha mẹ.

Với Mai Bửu Minh, một đời “cày ải” trên “cánh đồng chữ nghĩa”, gia tài hơn 30 đầu sách, hàng ngàn trang văn, trang báo thì chỉ có hơn 1.000 con chữ của tôi làm sao lột tả hết chân dung của anh. Xin đúc kết cảm nhận riêng tôi: “Đọc sách nhà văn Mai Bửu Minh mới thấy “Ơ… sao quê hương, con người An Giang thân thuộc mà mới mẻ vậy, bình dị, phóng khoáng và đậm chất miền Tây”.

Bài, ảnh: TRÚC PHA