8 giải pháp chủ lực của bộ NN-PTNT

25/01/2019 - 15:06

Theo kế hoạch hành động thực hiện kịch bản tăng trưởng năm 2019, các mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đề ra cho năm 2019 như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP >3%; kim ngạch XK >43 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM là 50%; trên 70 huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ che phủ rừng >41,85%.

Thủy sản được giao mục tiêu XK 10,5 tỷ USD năm 2019 (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Bộ NN-PTNT đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; phát triển nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTGQ xây dựng NTM; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KHCN, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và VSATTP; xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững.

Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp nói trên, 2 nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên liên quan trực tiếp tới mục tiêu XK toàn ngành nông nghiệp đạt trên 43 tỷ USD trong năm nay. Ở nhiệm vụ, giải pháp thứ nhất, Bộ NN-PTNT đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất. Theo đó, trồng trọt phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 1,78%, giá trị gia tăng trên 1,58%; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 48,5 triệu tấn; kim ngạch XK các sản phẩm trồng trọt là 21 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, sản lượng các loại cây lương thực sẽ giảm (lúa giảm 200 ngàn tấn, sắn giảm 178,9 ngàn tấn…), sản lượng rau tăng 512 ngàn tấn, sản lượng nhiều loại cây lâu năm và cây ăn quả chủ lực cũng tăng (cà phê nhân tăng 3,2%, cao su tăng 4%, dừa tăng 4%, xoài tăng 6%, chuối tăng 5%, thanh long tăng 12%, bưởi tăng 4,9%…). Trong các giải pháp chủ yếu cho ngành trồng trọt, đáng chú ý là sẽ tập trung phát triển một số loại cây ăn quả có lợi thế XK theo hướng sản xuất hàng hóa,phát huy tối đa các lợi thế về điều kiện tự nhiên như cam quýt, chuối, xoài, thanh long …; đồng thời định hướng phát triển một số loại cây ăn quả có triển vọng thị trường; nâng diện tích cây ăn quả lên 964 ngàn ha, tăng 14 ngàn ha so năm 2018.

Dự kiến kế hoạch XK một số sản phẩm chính năm 2019: thủy sản 10,5 tỷ USD; lâm sản chính 10,5 tỷ USD; rau quả 4,277 tỷ USD; cà phê 3,744 tỷ USD; hạt điều 3,7 tỷ USD; gạo 2,95 tỷ USD; cao su 2,38 tỷ USD; sắn và sản phẩm từ sắn 1,18 tỷ USD; hồ tiêu 1,33 tỷ USD; chăn nuôi 800 triệu USD; chè 257 triệu USD; sản phẩm khác 1,579 tỷ USD.

Chăn nuôi phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,15%, giá trị gia tăng trên 4%; tổng sản lượng thịt các loại trên 5,59 triệu tấn (tăng 4,1%); trứng các loại khoảng 12,57 tỷ quả (tăng 6,6%); TĂCN khoảng 18,2 triệu tấn (tăng 4,8%); kim ngạch XK các sản phẩm chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD. Trong các giải pháp cho ngành chăn nuôi, đáng chú ý là việc phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn với các sản phẩm chủ lực; phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung; tăng tỷ lệ gia súc nuôi theo hình thức trang trại công nghiệp lên 40%, gia cầm 55%… Tìm kiếm mở rộng thị trường XK các sản phẩm chăn nuôi, nhất là các thị trường tiềm năng, thị trường mới ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch; tiếp dục đẩy mạnh XK thịt gà sang Nhật Bản và Hà Lan; thúc đẩy XK thịt lợn, trứng, sữa chính ngạch sang Trung Quốc.

Thủy sản phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69%, giá trị gia tăng trên 4,65%; tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,08 triệu tấn (tăng 4,2%); kim ngạch XK thủy sản đạt trên 10,5 tỷ USD. Trong các giải pháp của ngành thủy sản, đáng chú ý là đẩy mạnh phát triển nuôi các đối tượng chủ lực là tôm, cá tra và nuôi biển. Theo đó, giữ ổn định diện tích cá tra ở 5,4 ngàn ha; diện tích tôm sú 620 ngàn ha, sản lượng 330 ngàn tấn; phát huy lợi thế của nuôi tôm thẻ chân trắng, gia tăng sản lượng và giá trị XK, duy trì diện tích 105 ngàn ha, sản lượng 530 ngàn tấn; đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao tỷ trọng các mặt hàng GTGT, đa dạng hóa các mặt hàng chế biến và thị trường tiêu thụ; kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm; kiểm soát chặt chất lượng giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ NK …

Lâm nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 6%, giá trị gia tăng trên 5,8%; bảo vệ phát triển quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp để tăng độ che phủ rừng lên trên 41,85%; khai thác gỗ từ rừng trồng đạt 17 triệu m3 (tăng 8%); trồng rừng tập trung đạt 220 ngàn ha, chăm sóc rừng 400 ngàn ha, khoanh nuôi tái sinh rừng 360 ngàn ha; kim ngạch XK đạt trên 10,5 tỷ USD. Ngành lâm nghiệp sẽ đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác trong lâm nghiệp; tổ chức thực hiện tốt Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật,quản trị rừng và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam với EU, tạo điều kiện phát triển, mở cửa thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Về nhiệm vụ phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục tích cực đàm phán mở cửa thị trường XK, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA; nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, nhất là những thị trường trọng điểm (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh co the gặp đối với hàng XK. Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc đối với sản phẩm thủy sản (đặc biệt là thẻ vàng IUU), trái cây, hồ tiêu… ở thị trường EU. Quảng bá sản phẩm thủy sản kết hợp giải quyết các rào cản đối với gạo, thịt lợn, sữa với thị trường Trung Quốc; thủy sản, rau quả, cà phê với thị trường Nhật Bản; thủy sản, cao su, trái cây với thị trường Hàn Quốc…

Theo THANH SƠN (Nông Nghiệp)