96,4% dân Long An được sử dụng nước hợp vệ sinh

24/04/2018 - 08:27

Cũng như các tỉnh ĐBSCL khác, Long An bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi chằng chịt. Ấy vậy nhưng năm 2016, hạn hán và xâm ngập mặn đã tấn công toàn tỉnh, khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất xảy ra nghiêm trọng.

A A

Trạm cấp nước Bình An, xã Thuận Mỹ (huyện Châu Thành) được xây dựng qui mô vừa, cấp nước cho khoảng 1.000 hộ dân xã Thuận Mỹ (Ảnh: Ngô Lập)

Đặc biệt tại các xã ven biển vùng hạ của tỉnh, như Cần Đước, Cần Giuộc và Tân Trụ, để có một mét khối nước có lúc người dân phải bỏ ra 250.000 đồng. Mặc dù lãnh đạo Sở NN- PTNT tỉnh "tự kiểm" là tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước (hơn 45%), nhưng những ai từng đến Long An, nhìn lại 20 năm trước để so sánh, sẽ thấy chuyện nước sạch nơi đây đã có bước tiến dài.

Anh Nguyễn Long Hải, chuyên viên Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh cho biết, mặc dù tỷ lệ sử dụng nước sạch cả tỉnh chỉ đạt 24,3% nhưng Long An đã có 1.507 công trình cấp nước nông thôn tập trung (trong đó 59,7% công trình do cộng đồng và UBND xã quản lý; 31,3% công trình do hộ tư nhân quản lý; 8,6% do doanh nghiệp quản lý…), hệ thống nước máy từ 1.507 trạm cấp nước đã căn bản giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt ở nông thôn.

Ông Hải cho biết thêm, có được hệ thống trạm cấp nước ở các tuyến khu dân cư là nhờ tỉnh được ưu đãi của thiên nhiên, nguồn nước ngầm dễ khai thác. Theo tiêu chuẩn TC09 thì chất lượng nước luôn đảm bảo. Với quy mô nhỏ, chi phí quản lý thấp, mô hình trạm cấp nước đã giúp tỷ lệ hộ dân có nước hợp vệ sinh đạt 96,4%. Tuy nhiên, theo quy chuẩn mới ban hành năm 2009 thì các trạm cần đầu tư thêm hệ thống khử trùng Clo.

Trạm cấp nước xã Phước Lại phải mua nước của Cty Cấp nước Nhà Bè, TP.HCM, sau đó trạm sẽ tiếp nước, tăng áp lực để bơm về cung cấp cho 2 xã vùng hạ Phước Lại và Phước Vĩnh Tây (huyện Cần Giuộc) vốn khó khăn về nước (Ảnh: Minh Hà)

Ông Phan Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT Long An đánh giá, nói vậy nhưng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch còn thấp, đặc biệt là vùng hạ Cần Đước, Cần Giuộc. Tỉnh ủy Long An đã chỉ đạo đến cuối năm 2018, hai huyện trên sẽ cơ bản hoàn thành việc cấp nước sạch cho dân dùng.

Năm 2017, tỉnh đã huy động 254,1 tỷ đồng để đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng hạ 2 huyện và các xã vùng sâu, vùng xa Đồng Tháp Mười vẫn nhiều thách thức; hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, thiếu bền vững, việc quản lý công trình cấp nước còn nhiều bất cập.

Ngoài việc chi hơn 50 tỷ đồng cho dự án nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh còn kêu gọi xã hội hóa nguồn lực đầu tư, đảm bảo đến cuối năm 2018 người dân 2 huyện vùng hạ phải có nước sạch.

Một trong các dự án quan trọng là đã liên kết được với Cty cấp nước Savaco (TP.HCM) đưa nước sạch về Cần Giuộc, Cần Đước. Đường ống nước từ cầu ông Thìn, giáp ranh Bình Chánh, đã xong giai đoạn 1 (3.500/3.500m đường ống cấp nước HDPE 350mm) và giai đoạn 2 (6.600/6.600m đường ống HDPE 280mm) đã hoàn thành, đưa được đường ống về đến thị trấn Cần Giuộc. Chờ khi hệ thống đường ống nước từ Bình Chánh (TP.HCM) đấu nối vào đường ống tại cầu Ông Thìn xong thì người dân vùng hạ Long An sẽ đủ nước sạch.

Long An đang từng bước hỗ trợ biện pháp xử lý nước từ các trạm nước sinh hoạt, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các khu dân cư. Có như thế Long An mới nâng được tiêu chí nước sạch các xã nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.

Theo PHƯƠNG CHI - PHƯƠNG KHANH (Nông Nghiệp)