Ấm lòng hơn từ căn bếp nhân đạo mới

21/02/2020 - 05:32

 - Trụ sở của Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện (thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang) được xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 11-2019 là niềm mơ ước của biết bao tấm lòng thiện nguyện gắn bó nhiều năm nay với cơ sở. Bởi việc có một nơi khang trang, sạch sẽ tạo điều kiện cho tình nguyện viên tiếp nối việc sẻ chia những suất cơm, cháo, nước sôi đến với những hoàn cảnh ốm đau đang chữa trị tại các bệnh viện trung tâm của tỉnh.

Ấm lòng hơn từ căn bếp nhân đạo mới

Bác Xê phụ trách phân phối cơm mỗi ngày.

Ấm lòng hơn từ căn bếp nhân đạo mới

Tặng thực phẩm cho bệnh nhân.

Ấm lòng hơn từ căn bếp nhân đạo mới

Tổ bếp có nơi chế biến, nấu nướng rộng rãi hơn.

Chú Võ Minh Dũng (Thư ký Ban điều hành Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh) cho biết: “Cơ sở được hình thành và phát triển từ năm 1983, đơn giản chỉ từ những thùng nước sôi từ thiện của chú Ba Đạt, sau đó những tấm lòng nhân ái cùng nhận ra rằng, việc người thân đến bệnh viện nuôi thân nhân trong thời gian dài quá tốn kém nhiều chi phí về ăn uống, đi lại nên đã cùng chung tay xây dựng Tổ bếp ăn từ thiện vào năm 1990.

Cứ thế 37 năm qua, các tấm lòng thiện nguyện cùng nhau đóng góp sức người, sức của nấu tặng hàng ngàn suất cơm, cháo, nước sôi miễn phí mỗi ngày cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện: Đa khoa Trung tâm An Giang, Sản - Nhi An Giang, Tim mạch An Giang, Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt An Giang”.

Trước đây, bếp ăn của cơ sở nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Thế nhưng, do việc chuyển đổi trụ sở về địa chỉ mới, cơ sở bệnh viện cũ được chuyển thành Bệnh viện Sản - Nhi An Giang. Trong quá trình cải tạo công trình, bếp ăn của Cơ sở nhân đạo xã hội bệnh viện phải dời tạm qua trụ sở của Hội Chữ thập đỏ tỉnh.

Trước những khó khăn trên, tháng 4-2019, UBND tỉnh đã chấp thuận khởi công công trình “Nơi làm việc và bếp từ thiện” phục vụ bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện (số 11B, đường Lê Lợi, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), với diện tích trên 300m2, kinh phí xây dựng trên 2 tỷ đồng từ nguồn vận động các nhà hảo tâm, cơ sở, doanh nghiệp.

“Công trình hoàn thành làm anh em chúng tôi vô cùng phấn khởi. Bởi với cơ sở mới, anh chị em đã có được không gian làm việc thoải mái từ các khâu tập kết thực phẩm, nấu nướng, chế biến đến phân phối suất ăn cho bà con. Ngày nào cũng vậy, khoảng 4 giờ sáng, từ xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) tôi chạy sang  phụ giúp cơ sở đến khi hoàn thành buổi phát suất ăn chiều mới trở về nhà. Công việc tuy vất vả nhưng đổi lại là biết bao niềm vui, tạo nên sự ấm áp, thân ái với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân” - bác Nguyễn Văn Xê (66 tuổi, tình nguyện viên của cơ sở) chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Anh (xã Vĩnh Phước, Tri Tôn) lần đầu tiên đến nuôi cháu tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang hết sức ấn tượng với hoạt động của cơ sở: “Nghe mọi người giới thiệu có suất ăn trưa và chiều miễn phí ngang cổng bệnh viện, tôi thấy cơ sở khang trang, sạch sẽ, thức ăn ngon miệng, các anh, chị em phân phát cũng rất ân cần, niềm nở làm mình thấy ấm áp vì được yêu thương, quan tâm, sẻ chia những khó khăn mỗi ngày”.

Chú Võ Minh Dũng chia sẻ thêm: “Hiện tại, lực lượng tình nguyện viên thường trực của cơ sở khoảng 20 người và 15 tổ nấu bếp trong và ngoài tỉnh thay phiên nhau trực nấu. Từ ngày có trụ sở mới, mọi hoạt động của cơ sở đều được đồng loạt cải tiến.

Chẳng hạn, việc nấu nước sôi, nấu cơm trước đây đều dùng củi nhưng hiện tại chuyển sang dùng các bếp điện công suất lớn, nồi cơm chuyên dụng. Điều đó giúp tiết kiệm được sức lực (vì đa phần các tình nguyện viên hiện nay là các cô, chú lớn tuổi) nhưng tốn kém thêm chi phí điện, gas, nước mỗi tháng nhiều hơn.

Do vậy, cơ sở phải hết sức tính toán, gói ghém để đảm bảo cung cấp bình quân 13.000-15.000 suất ăn mỗi tuần, vừa đảm bảo chi phí hoạt động và cả chi phí chuyển bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn”.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích