An Giang đẩy mạnh Chương trình OCOP

17/09/2020 - 06:52

 - Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, nỗ lực thúc đẩy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) tỉnh An Giang đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhưng vẫn bảo đảm tính thực chất. Qua đó, tạo điều kiện cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh xây dựng thương hiệu, uy tín, mở rộng thị trường.

Những sản phẩm được đánh giá đạt OCOP cấp tỉnh

Khẩn trương thực hiện

Là người trẻ khởi nghiệp, chị Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên), quyết định chọn cây dược liệu để nghiên cứu sâu và phát triển sản xuất - kinh doanh. Sau những khó khăn ban đầu, chị Phượng đã thành công trong việc đem cây giống xạ đen (loại dược liệu quý ở vùng núi Tây Bắc) về trồng ở núi Cấm (ngọn núi cao nhất và nổi tiếng linh thiêng ở vùng Bảy Núi). Chủ động được nguồn nguyên liệu, chị đã cho ra mắt sản phẩm trà xạ đen. Đây là một trong những sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang (Hội đồng OCOP An Giang) xếp hạng OCOP 3 sao trong đợt đánh giá đầu tiên của tỉnh (đợt 1 năm 2020).

Được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, Giám đốc “8X” đã tự tin đưa lên giới thiệu trên website của Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang, in lên bao bì cũng như tờ thông tin quảng bá sản phẩm. Từ thành công bước đầu, chị Phượng tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm trà xạ đen túi lọc, giúp người dùng có thể mang theo mọi lúc, mọi nơi, pha bằng bình trà hay bằng ly đều tiện dụng.

Mới đây, tại đợt đánh giá lần 3 năm 2020, sản phẩm trà xạ đen túi lọc tiếp tục được Hội đồng OCOP An Giang đánh giá, xếp hạng OCOP 3 sao. “Sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP là niềm tự hào đối với doanh nghiệp. Cùng với xạ đen, công ty đang nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm dược liệu nữa và sẽ tiếp tục đăng ký sản phẩm OCOP” - chị Phượng nhấn mạnh.

Niềm tin, sự tự hào của doanh nghiệp, chủ thể có sản phẩm tham gia OCOP xuất phát từ quyết tâm của tỉnh đối với chương trình này. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, ngày 12-3-2020, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 116/KH-UBND phê duyệt kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang năm 2020. Ngày 14-4-2020, UBND tỉnh tiếp tục có Kế hoạch số 180/KH-UBND về phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang năm 2020. Trên cơ sở tham mưu của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã đồng ý gắn nhiệm vụ triển khai Chương trình OCOP vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 600/UBND-KTN, ngày 5-6-2020, về việc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình OCOP năm 2020.

Quảng bá sản phẩm

Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, sau khi Đề án OCOP của tỉnh được phê duyệt, Sở NN&PTNT đã chủ động tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn trực tiếp các địa phương, kiện toàn hệ thống chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là thành lập hội đồng và tổ giúp việc hội đồng OCOP cấp huyện, Chương trình OCOP đã được đẩy mạnh triển khai thực hiện ở nhiều cấp, nhiều ngành. Sở NN&PTNT đã phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức 4 lớp tập huấn với nội dung về Bộ tiêu chí đánh giá OCOP, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình OCOP, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Ngày 27 và 28-8 vừa qua, tỉnh đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 3 năm 2020 với 34 sản phẩm, trong đó có 31 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, đang hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh 37 sản phẩm đạt 3-4 sao (11 sản phẩm đạt 4 sao, 26 sản phẩm 3 sao), đồng thời có 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đang đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Đến nay, có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP đến từ 28 chủ thể kinh tế khác nhau (12 hộ sản xuất - kinh doanh, 13 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã).

Ông Lâm cho biết, những tháng cuối năm 2020, Sở NN&PTNT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP. Trong đó, phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức các lớp tập huấn về OCOP cho lực lượng thanh niên để thúc đẩy khởi nghiệp, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Đồng thời, phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức Hội chợ về sản phẩm OCOP khu vực ĐBSCL và đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chủ động rà soát, lồng ghép triển khai các chính sách, nguồn lực để hỗ trợ các chủ thể kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm…

NGÔ CHUẨN