An Giang - điểm sáng kéo giảm tai nạn giao thông - Kỳ 2: Cách làm sáng tạo

09/11/2019 - 16:28

 - Đất hẹp, người đông, trong điều kiện hạ tầng giao thông còn hạn chế, An Giang có nhiều cách làm hay, sáng tạo kéo giảm tai nạn giao thông.

Theo Đại tá Lâm Thành Sol, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh: "5 giải pháp chính mà Ban ATGT tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt là triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia đầy đủ, chi tiết và phù hợp với điều kiện của địa phương. Chủ động xây dựng các kế hoạch trọng tâm là tiền đề hoạt động cho cả năm. Như kế hoạch bảo đảm trật tự ATGT năm 2019; phát động thi đua đảm bảo trật tự ATGT năm 2019; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; phòng, chống ùn tắc giao thông và đua xe trái phép; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát thường xuyên cũng như các chuyên đề như: vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe tải, xe khách, xe container…

Đặc biệt, Ban ATGT tỉnh phối hợp các ngành chức năng tìm ra các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Từ đó, kịp thời đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục; thường xuyên làm tốt công tác phối hợp khảo sát, kiến nghị xử lý các bất hợp lý về tổ chức giao thông. Điển hình như việc xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông: trước đây trên Quốc lộ 91 có 2 điểm đen về tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, nhờ làm tốt công tác khắc phục các điểm đen này nên từ năm 2018 đến nay khu vực này chỉ xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông.

 Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị tài trợ trao pano tuyên truyền hệ thống báo hiệu đường bộ cho các điểm trường

Điểm sáng của An Giang là thường xuyên nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các doanh nghiệp trên địa bàn trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT, phải kể đến đó là các doanh nghiệp bảo hiểm, Hội Doanh nhân trẻ... Đặc biệt, tỉnh quan tâm gắn kết quả công tác bảo đảm trật tự ATGT với trách nhiệm của người đứng đầu của ngành, của địa phương và của đơn vị. Chủ tịch UBND tỉnh phân cấp về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong việc quản lý, điều hành nếu để xảy ra tai nạn giao thông tăng. Thực tế, trong năm 2018 tỉnh đã không xét khen thưởng các đơn vị, địa phương để xảy tai nạn giao thông tăng thuộc phạm vi quản lý; đồng thời kiểm điểm, phê bình tại hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

 An Giang có hơn 429.000 học sinh ở các cấp học, từ mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT trong toàn tỉnh. Từ số lượng lớn như thế, với trăn trở, làm thế nào để nâng cao ý thức, sự hiểu biết và chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang lắp đặt các pano về hệ thống biển báo hiệu đường bộ, vạch kẻ đường và tín hiệu đèn giao thông theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh với sự hỗ trợ của 7 công ty bảo hiểm trên địa bàn. Qua đó, tuyên truyền pháp luật ATGT về hệ thống báo hiệu cho học sinh trên địa bàn tỉnh khi năm học mới bắt đầu một cách sinh động, mục đích truyền tải cho các em ý nghĩa và tầm quan trọng của các biển báo hiệu khi tham gia giao thông.

An Giang đã huy động cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc đảm bảo ATGT, tuyên truyền ATGT với nhiều nội dung hình thức đa dạng, phong phú, có chiều sâu. Tổ chức các đợt tuyên truyền “ATGT năm 2019” với chủ đề “Toàn dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGT; tính mạng con người là trên hết” cho các tầng lớp nhân dân. Tại đây sẽ triển khai về Luật giao thông (đường bộ, đường thủy), các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con biết về tác hại, hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và trật tự ATGT; các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cũng hướng dẫn cho bà con biết về cách phòng tránh đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy. Qua đó, kêu gọi, vận động nhân dân tích cực bảo vệ các công trình giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và vận động người thân chấp hành nghiêm luật giao thông, nhất là thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Tổ chức các trò chơi, tuyên truyền nâng cao ý thức cho học sinh tuân thủ Luật giao thông

An Giang đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT. Các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp công tác bảo đảm trật tự ATGT trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đồng thời, quan tâm giáo dục, nhắc nhở đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị mình gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, giải pháp công tác đã đề ra, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót để chấn chỉnh, khắc phục.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học an toàn... Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, đề cao trách nhiệm tự giác chấp hành Luật Giao thông, thực hiện tốt nếp sống văn hóa giao thông, đấu tranh các hành vi vi phạm trật tự ATGT, phối hợp giữa gia đình-nhà trường-các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội giáo dục, nhắc nhở học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.

Tỉnh kiểm tra, đánh giá toàn diện các mô hình về bảo đảm trật tự ATGT; nghiên cứu, củng cố, xây dựng và nhân rộng những mô hình hoạt động có hiệu quả. Khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; phê bình các hành vi cố ý vi phạm, coi thường pháp luật, gây tai nạn giao thông… Trong quản lý nhà nước, siết chặt quản lý vận tải, gắn trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với người điều khiển phương tiện được chủ doanh nghiệp thuê. Rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các “điểm đen” tai nạn giao thông, các chướng ngại vật trên đường thủy nội địa. Có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Trao hơn 40.000 mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh lớp 1 tại tỉnh An Giang

Điểm mấu chốt, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma tuý hoặc các chất kích thích khác; trách nhiệm của chủ phương tiện vận tải, thiếu trách nhiệm quản lý để lái xe gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điều tra làm rõ và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây tai nạn giao thông.

An Giang triển khai hệ thống giám sát giao thông bằng camera trên địa bàn TP. Long Xuyên chính thức hoạt động từ giữa năm 2019 phát huy hiệu quả tích cực. Hệ thống camera có tổng mức đầu tư trên 12 tỷ đồng, được lắp đặt tại 8 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông, “điểm đen” về tai nạn giao thông, gồm: ngã 3 phà Vàm Cống, ngã 3 Trần Hưng Đạo - Phạm Cự Lượng, vòng xoay ngã 4 Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên, ngã 3 Vườn Trầu (khu vực vòng xoay trước cổng Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu), vòng xoay tượng đài Bông lúa (UBND tỉnh); Km55+450 Quốc lộ 91 (phường Mỹ Thới); ngã 4 Trần Hưng Đạo - Lý Thái Tổ; ngã 4 Trần Hưng Đạo - Lê Hồng Phong. 8 vị trí lắp camera đều có chức năng khác nhau: giám sát an ninh; phát hiện vi phạm về lấn làn đường, đè vạch; không chấp hành đèn tín hiệu giao thông; vi phạm về tốc độ...

Đại tá Nguyễn Bá Quận, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh đánh giá: “Từ khi khai thác và đưa vào sử dụng xử lý vi phạm qua hình ảnh camera giám sát trong khu vực TP. Long Xuyên góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông, hạn chế các hành vi vi phạm xảy ra, tai nạn giao thông được kéo giảm. Phòng sẽ tiếp tục đề xuất Ban ATGT tỉnh lắp đặt thêm một số camera quan sát, giám sát giao thông trên các tuyến đường nhằm góp phần đảm bảo tốt trật tự ATGT trên địa bàn".

Thành phố Long Xuyên là trung tâm chính trị, kinh tế-văn hóa của tỉnh, tập trung đông dân nên việc tăng cường bảo đảm trật tự ATGT kéo giảm tai nạn giao thông và chống ùn tắc giao thông là hết sức cần thiết. UBND TP. Long xuyên đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT; gắn việc xây dựng nếp sống “văn hóa giao thông”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường kiểm tra, đánh giá toàn diện các mô hình về bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn. Đã xử lý các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các “điểm đen” tai nạn giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông hiệu quả.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU

Kỳ 3: Nhiều mô hình hiệu quả