An Giang: Hàng ngàn hécta lúa ở huyện Tri Tôn bị lũ đe dọa

12/09/2018 - 14:02

Sáng 12-9, Phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết, nước lũ từ Campuchia tiếp tục đổ về và đang duy trì ở mức cao. Khảo sát tại các xã Vĩnh Gia và Lạc Quới cho thấy mực nước lũ hiện tại đã cao hơn cùng kỳ năm 2017 từ 1,4 - 1,6 m.

A A

Hàng ngàn ha lúa thu đông ngoài đê bao ở An Giang bị lũ uy hiếp

Do nước lũ lên cao và diễn biến phức tạp đã khiến khoảng 887 hécta lúa thu đông ở huyện Tri Tôn bị thiệt hại, hàng ngàn hécta lúa đã phải thu hoạch sớm để chạy lũ.

Những ngày qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các xã cùng nông dân đã liên tục gia cố đê bao nhằm bảo vệ khoảng 13.088 hécta lúa thu đông, trong đó có hơn 8.000 hécta lúa sản xuất ngoài đê bao không an toàn. Dù đã gia cố rất nhiều, nhưng đến nay ở huyện Tri Tôn vẫn còn khoảng 1.300 ha lúa thu đông sản xuất ngoài đê bao bị lũ uy hiếp. Trước tình hình này, huyện Tri Tôn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, vận động nông dân thu hoạch nhanh những diện tích lúa chín nhằm giảm thiệt hại.

Khẩn trương gia cố đê bao bảo vệ lúa thu đông ở An Giang 

Ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho hay, đến thời điểm này diện tích lúa hè thu ở tỉnh cơ bản thu hoạch xong. Vụ thu đông 2018, toàn tỉnh đã xuống giống được gần 111.000 hécta lúa; trong đó có khoảng 8.780 hécta nằm ngoài vùng đê bao. Vì vậy, số diện tích lúa ngoài đê bao có thể bị ngập bất cứ lúc nào.

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, ngay từ ban đầu, chủ trương của tỉnh là không xuống giống lúa thu đông ở những khu vực không có đê bao an toàn, thế nhưng do mấy năm qua lũ nhỏ nên nông dân chủ quan và vẫn sản xuất khá nhiều. Quan điểm của tỉnh là cố gắng bảo vệ tới đâu hay tới đó…  Hiện tại, trên địa bàn tỉnh An Giang có khoảng 60 tuyến đê xung yếu cần phải gia cố, chống tràn mới có thể bảo vệ an toàn cho các tiểu vùng sản xuất. Do đó, nếu tới đây nước lũ tiếp tục lên cao thì nguy cơ xảy ra ngập ở các vùng trũng, thấp vùng đê bao chưa an toàn… là rất cao.

Nước lũ đổ mạnh vào nội đồng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười 

Phía UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo vệ những diện tích lúa thu đông chịu ảnh hưởng của lũ, nhất là ở khu vực ngoài đê bao, khu vực có hệ thống đê bao không đảm bảo an toàn…

Cũng tại An Giang, sáng 12-9, UBND xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) cho biết, đang khắc phục hậu quả vụ sạt lở vừa xảy ra trên địa bàn. Trước đó, vào chiều 11-9, trên địa bàn xã xảy ra một vụ sạt lở bờ sông với chiều dài 52m, ăn sâu vào đất liền 25m; làm sụt lún đường đi và phần sân của 13 căn nhà. Hiện khu vực sạt lở vẫn đang tiếp tục lan rộng, do đó chính quyền địa phương tổ chức cắm biển cánh báo khu vực sạt lở nguy hiểm nhằm hạn chế người và phương tiện qua lại.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Long An, khu vực nội đồng ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên nước lũ đang lên. Dự báo, đến ngày 20-9, mực nước cao nhất trên kênh Hồng Ngự tại Tân Hưng có khả năng lên mức 3,20 m (cao hơn cùng kỳ 2017 là  1,20 m); trên kênh 28 tại Vĩnh Hưng lên mức 3,00 m (cao hơn cùng kỳ 2017 là 1,08 m); trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa là 1,70m (cao hơn  cùng kỳ 2017 là  0,57m)… nước lũ gây ngập những vùng trũng thấp tại các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, một phần các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường… Hiện tại, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch hơn 184.000 ha/223.770 ha lúa hè thu; đồng thời gieo sạ 23.684 ha lúa thu đông. Ngành nông nghiệp và chính quyền khẩn trương gia cố đê bao chống lũ, bảo vệ lúa… 

Theo NGỌC DÂN- VĂN DUY (SGGP)