An Giang: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tổ chức tín dụng

10/04/2018 - 09:34

Ngày 9-4-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành văn bản về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng, đồng thời thể hiện tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo ngân hàng và cán bộ tín dụng. Cụ thể:

1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chủ trương, các chương trình trọng điểm của tỉnh đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng chức năng tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Chủ động nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động tín dụng trên địa bàn để báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về biện pháp quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn và những bất cập về cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế…

Bên cạnh đó, thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, tiếp nhận ý kiến phản ánh, khiếu nại của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho khách hàng, doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

2. Các tổ chức tín dụng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực, ngành nghề mà tỉnh quan tâm như: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục vay vốn nhưng không bỏ qua quy trình, tăng cường năng lực thẩm định cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay; trong khâu thẩm định cần thủ tục nhanh, gọn, hợp lý, tuân thủ chặt chẽ quy trình cho vay. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn tín dụng nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay. Thông tin, chia sẽ với doanh nghiệp trên tinh thần cầu thị, thấu tình đạt lý trong trường hợp không giải quyết cho vay được, nhằm tạo sự đồng thuận cao giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Lãnh đạo các tổ chức tín dụng phải nắm các hồ sơ doanh nghiệp đề nghị vay vốn. Đề nghị từng bước từ chỗ tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, chuyển dần sang quan hệ hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.

Trường hợp vượt thẩm quyền cho vay hoặc do cơ chế, đề nghị các tổ chức tín dụng kiến nghị Hội sở xem xét. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có văn bản kiến nghị với Hội sở, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc sẽ cùng với chi nhánh ngân hàng thương mại làm việc với Hội sở.

3. Các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao khả năng điều hành, quản trị doanh nghiệp, nâng cao uy tín, mức độ tín nhiệm, xếp hạng doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng thông qua lịch sử quan hệ tín dụng, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, doanh nghiệp phải bảo vệ tốt phương án kinh doanh của mình, chứng minh cho tổ chức tín dụng thấy phương án sản xuất kinh doanh của mình có hiệu quả, khả thi, có tiềm năng phát triển, có thị trường đầu ra ổn định. Có hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng, minh bạch, quản lý dòng tiền vào, ra hợp lý, cam kết bảo đảm vốn vay thông qua: tài sản thế chấp, bảo lãnh tín dụng…

4. Các Sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố xây dựng kênh thông tin về tín dụng nhằm cung cấp kịp thời các chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý. Giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh đến các tổ chức tín dụng, thúc đẩy quá trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thường xuyên hơn, nhằm giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn và tổ chức tín dụng hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Thường xuyên nghiên cứu, đề xuất cải tiến các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, rút ngắn thời gian xử lý công việc, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách tín dụng.

5. Đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội nữ Doanh nhân tỉnh nghiên cứu về cơ chế phối hợp với các tổ chức tín dụng để tiếp cận thông tin về các chính sách tín dụng, chương trình cho vay. Qua đó, thông tin, phổ biến kịp thời trong hệ thống hội, đến các doanh nghiệp hội viên. Tiếp tục làm cầu nối để các doanh nghiệp hội viên tạo lập mối quan hệ với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, nhằm giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

6. Đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh thông tin cho hệ thống tổ chức tín dụng trong tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Hội Nữ Doanh nhân tỉnh thông tin cho các doanh nghiệp hội viên biết và cùng phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vay vốn tổ chức tín dụng.

Theo Cổng TTĐT AG