An Giang: Kiếm nửa tỷ mỗi năm nhờ mê nuôi bồ câu kiểng

05/06/2019 - 08:32

Gần đây, nuôi chim bồ câu thương phẩm dần được mở rộng, giúp nhiều hộ gia đình không những thoát nghèo mà còn làm giàu. Tại vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang có một trang trại bồ câu với quy mô hơn 2.000 con giống. Chủ nhân của trang trại này cũng chính là người đam mê và khởi xướng nghề nuôi bồ câu kiểng, bồ câu thịt thương phẩm tại địa phương.

A A

Chủ nhân của trang trại này chính là ông Lê Giang Nam, ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang. Chọn giống bồ câu Hà Lan và Pháp để khởi nghiệp, với đặc tính dễ nuôi, phù hợp với điều kiện nuôi trong lồng, lại có sức đề kháng cao, ít xảy ra dịch bệnh, chỉ sau 1 năm, trang trại bồ câu của ông Giang thu về hàng trăm triệu mỗi năm.

Vốn đam mê bồ câu kiểng từ khi lên 10 tuổi, suốt thời gian sau đó, ông Giang luôn tìm tòi học hỏi về cách nuôi bồ câu. Tận dụng diện tích trống vỏn vẹn 300m2 quanh nhà, một trang trại bồ câu với quy mô 2.000 con đã được thành lập.

Trang trại bồ câu với khoảng 2.000 con của ông Giang được xem là lớn nhất nhì vùng Bảy Núi, An Giang. Ảnh: M.A.

Ông Giang cho PV Dân Việt biết: “Theo mình nghiên cứu, giống bồ câu Hà Lan và Pháp có khả năng tăng trưởng gấp đôi so với bồ câu của mình. Ngoài ra, các giống này nuôi trong lồng được, còn như bồ câu của mình khi nhốt thì việc sinh sản không thuận lợn”.

Ban đầu, ông Giang chỉ nuôi chừng chục cặp bồ câu kiểng chơi. Dần dà, tình yêu đặc biệt với những chú chim bồ câu này ngày càng lớn dần. Vào cuối năm 2015, nhận thấy việc nuôi bồ câu không cần phải có diện tích lớn, lại có sẵn kinh nghiệm nuôi bồ câu kiểng, nên ông Giang đã chuyển dần qua nuôi bồ câu thịt thương phẩm.

Giống bồ câu Hà Lan và Pháp có đặc điểm dễ nuôi, sức đề kháng cao, được ông Giang chọn nuôi. Ảnh: M.A.

Từ 200 cặp bồ câu bố mẹ có nguồn gốc Pháp và Hà Lan. Chỉ sau một thời gian ngắn, quy mô trang trại của ông Giang đã đạt đến hàng ngàn con. Thành công ban đầu đã tạo động lực để ông Giang tiếp tục nhân đàn và phát triển thành trang trại.

Cũng theo ông Giang, để nuôi 1 cặp bồ câu giống (gồm 1 trống, 1 mái), ông thiết kế lồng theo quy cách sàn rộng 0,6x0,6m, cao 0,6m. Các lồng được ông chất chồng lên để không chiếm diện tích trại. Theo ông Nam, trong quá trình nuôi, cần giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát và thức ăn đảm bảo dinh dưỡng. Thức ăn của chúng cũng rất đơn giản, gạo lứt phối trộn với thức ăn cho gà, tỷ lệ phối trộn mỗi thứ 50%, như vậy sẽ đảm bảo bồ câu có sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh và sinh sản liên tục.

Mỗi tháng sau khi trừ chi phí ông Nam có thu nhập gần 50 triệu đồng từ bồ câu. Ảnh: M.A.

Thông thường 1 năm, 1 cặp bồ câu bố mẹ Hà Lan và Pháp sẽ sinh sản 10 lứa, mỗi lứa 2 con. Trải qua 16 ngày ấp nở và 14 ngày nuôi là có thể xuất bán bồ câu thịt hay còn gọi bồ câu ra rang với giá bán 80.000 đồng/cặp. Còn đối với bồ câu giống ông dưỡng đến 6 tháng tuổi sẽ bán với giá hơn 250.000 đồng/cặp. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí ông Nam có thu nhập gần 50 triệu đồng từ bồ câu.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Giang cho biết: “Bồ câu nuôi sinh sản hiệu quả nhất là từ 5-7 năm. Thường chim bồ câu mới sinh nuôi rất cực, chăm sóc y như con mọn. Khi bồ câu đẻ không nên lấy trứng ấp bằng máy mà phải cho bồ câu ấp tự nhiên. Tuy vậy, muốn bồ câu ấp hiệu quả, cần lấy cát để vô rổ trước”.

 

Hiện, trang trại bồ câu của ông Giang là điểm tham quan và chia sẻ kinh nghiệm với những ai muốn tìm hiểu và cùng chung đam mê về loài vật này. Ảnh: M.A.

Mặc dù, sở hữu trang trại bồ câu thuộc loại quy mô lớn nhất nhì tại vùng Bảy Núi, thế nhưng mỗi ngày ông Giang chỉ cần mất khoảng 3 giờ để chăm sóc và vệ sinh chuồng trại. Theo ông Giang, mô hình nuôi bồ câu không tốn nhiều diện tích, lại nhẹ công, những người lớn tuổi vẫn có thể làm được.

Hơn chục năm chọn bồ câu làm hướng đi riêng của mình, giờ đây đàn bồ câu của ông Giang phát triển tốt và cứ ngày càng phát triển thêm. Với mô hình này, hàng năm gia đình ông có thu nhập trên 500 triệu đồng từ việc bán bồ câu giống và thịt cho bà con các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Theo Dân Việt