An Giang: Liên kết nâng giá trị trái xoài

12/04/2019 - 08:01

 - Sau vú sữa, nhãn, vải, thanh long và chôm chôm thì xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam đã chính thức được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ. Thông tin này mở ra nhiều cơ hội cho những vùng trồng xoài của tỉnh khi An Giang được chọn là một trong những địa phương liên kết đưa xoài đi Mỹ cũng như những thị trường khó tính khác.

A A

Xoài 3 màu ở cù lao Giêng

Chủ động bắt tay doanh nghiệp

Còn nhớ thời điểm đầu tháng 5-2018, lô hàng xoài 3 màu ăn tươi đầu tiên của Hợp tác xã (HTX) GAP Bình Phước Xuân (Chợ Mới) đã được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu, huyện Chợ Lách, Bến Tre) xuất khẩu thành công sang Úc, tạo hứng khởi để nông dân vùng cù lao Giêng mở rộng diện tích canh tác xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

Công ty Chánh Thu được biết đến là doanh nghiệp chịu khó đưa nông sản Việt Nam xâm nhập vào những thị trường khó tính.Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu và nâng giá trị cho nông sản Việt. Năm 2010, Chánh Thu cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu thành công chôm chôm, nhãn sang thị trường Úc, Mỹ. Từ hợp tác thành công với HTX GAP Bình Phước Xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đã chủ động kết nối với doanh nghiệp này nhằm mở rộng thị trường cho các vùng trồng xoài trên địa bàn tỉnh, trọng điểm là các huyện: Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên. Tại vùng cù lao Giêng (gồm 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, thuộc huyện Chợ Mới), đang tập trung phát triển diện tích xoài 3 màu (nguồn gốc từ giống xoài Jin-Hwung, có trọng lượng trái lớn nhất trong 6 giống xoài được trồng phổ biến ở Đài Loan, trung bình từ 1-1,5kg/trái). Bên cạnh phẩm chất ngon, lợi thế của xoài 3 màu là sau khi thu hoạch, nếu trữ lạnh đạt chuẩn có thể giữ được trên 45 ngày, thích hợp xuất khẩu các thị trường xa, thời gian vận chuyển lâu. Được sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả Miền Nam về xây dựng vùng trồng xoài 500ha theo tiêu chuẩn VietGAP ở cù lao Giêng, Sở NN&PTNT An Giang đã kết hợp hỗ trợ dự án tưới công nghệ cao cho 500ha này, tiếp tục hỗ trợ 50% chi phí cho 200ha nối hệ thống tưới nhỏ giọt vào tận vườn của nông dân.

Mới đây, với sự kết nối của Sở NN&PTNT An Giang, UBND huyện Chợ Mới và Công ty Chánh Thu đã ký kết ghi nhớ hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu xoài 3 màu, tập trung vào diện tích đạt chuẩn VietGAP. Theo đó, công ty sẽ hợp tác với HTX trái cây GAP Chợ Mới để đặt hàng sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ (vừa được cấp phép ngày 18-2-2019). Công ty Chánh Thu cam kết tiêu thụ xoài 3 màu cao hơn giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg (giá thị trường căn cứ vào bản tin giá nông sản gần nhất của Sở NN&PTNT và Sở Công thương An Giang).

Tiến tới bền vững

Trong hợp tác với UBND huyện Chợ Mới, bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu xoài 3 màu ổn định, tăng giá trị sản xuất cho nông dân, Công ty Chánh Thu còn tham gia hỗ trợ phát triển HTX, cử người cùng quản lý HTX, cung cấp tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, từng bước nâng cao chất lượng, thương hiệu xoài 3 màu huyện Chợ Mới. Trước khi thu mua, công ty sẽ test mẫu dư lượng sản phẩm. Nếu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, công ty sẽ thông báo cho huyện để điều chỉnh kịp thời.“Chúng tôi mong muốn các vùng nguyên liệu đều có HTX. Qua thực tế nhiều năm, việc làm ăn với HTX thuận lợi hơn so với từng hộ dân. Bản thân công ty không thể kiểm tra từng vườn nên HTX vừa đại diện tư cách pháp nhân ký hợp đồng, vừa thay công ty kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu. Tại Bến Tre, công ty trả thuê những thành viên HTX quản lý tiếp vùng nguyên liệu rất hiệu quả nên chúng tôi mong muốn ở An Giang cũng thế. Công ty sẽ hướng dẫn HTX tiếp cận thị trường để tự tìm thêm thị trường mới cho mình” - Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu Ngô Tường Vy chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, cùng với Chợ Mới, Công ty Chánh Thu sẽ ký kết hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu xoài với UBND huyện Tri Tôn và UBND huyện Tịnh Biên, những địa phương đang có lợi thế lớn về trồng xoài theo tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết: “Ở An Giang hiện đã phát triển được hơn 20.000ha cây ăn trái, trong đó có khoảng 10.000ha xoài. Việc kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ nhằm giúp nông dân có đầu ra ổn định.Để liên kết bền vững, cán bộ nông nghiệp các cấp, chính quyền địa phương phải giữ vai trò nòng cốt, bản thân nông dân phải tự bảo vệ, giám sát nhau nhằm cho ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu”.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN