An Giang: Nông dân tất bật xuống giống hoa Tết

04/10/2018 - 08:43

 - Năm nào cũng vậy, trung tuần tháng 8 (âm lịch) các hộ nông dân (ND) trồng hoa lại tất bật chuẩn bị xuống giống các loại hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Theo nhận xét của nhiều nông hộ, năm nay, giá các loại giống, nguyên vật liệu không biến động nhiều, bà con chỉ lo lắng tình hình thời tiết có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng.

A A

Giá cây giống ít biến động

Tận dụng diện tích đất bờ đê, đất trống bỏ hoang, nhiều hộ dân ở ấp Vĩnh Phúc (xã Vĩnh Hanh, Châu Thành) trồng nhiều loại hoa để cung cấp cho thị trường, đặc biệt là thị trường Tết Nguyên đán. Ông Võ Văn Nguyên (sinh năm 1969), một trong những ND có thâm niên trồng hoa cho biết, mỗi năm, gia đình ông xuống giống từ 4.000 - 5.000 cây hoa. Trong đó, tập trung chủ yếu các loại hoa như: vạn thọ, cúc Tiger và cúc 5 màu. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa, ông Nguyên chia sẻ: “Tùy theo đặc tính, thời gian sinh trưởng của từng loại mà lựa chọn thời điểm xuống giống phù hợp. Ví dụ như: đối với cúc Tiger có thời gian sinh trưởng dài nên thường được xuống giống từ cuối tháng 9 (âm lịch); cúc Đài Loan xuống giống sớm hơn khoảng 20 ngày. Các loại khác như: cúc 5 màu, vạn thọ... có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, thường được xuống giống vào thời điểm cuối tháng 10 (âm lịch)”.

Để đảm bảo chất lượng hoa, ông Nguyên chuẩn bị nguồn cây giống, nguyên vật liệu khá tốt; giá cả không có nhiều biến động so với năm rồi. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng không giấu được sự lo lắng trước những biến động của thời tiết đầu vụ, cũng như mực nước lũ xuống chậm sẽ ảnh hưởng lớn đến diện tích xuống giống và thu nhập của ND.

Nông dân tất bật xuống giống hoa Tết

Ảnh: THANH HÙNG

Chuộng cúc pha lê

Khảo sát các khu vực trồng hoa ở nhiều địa phương cho thấy, chủng loại hoa năm nay không có nhiều thay đổi, chủ yếu là các giống hoa truyền thống như: cúc Tiger, cúc Đài Loan, cúc mâm xôi, vạn thọ, lay ơn, màu gà... Các loại hoa này có màu sắc bắt mắt, lâu tàn, giá cả phải chăng nên được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ND còn trồng thêm cúc pha lê để cung ứng cho thị trường trong dịp Tết. Đây là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều người yêu thích hoa cúc hiện nay. Ông Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc), một trong những hộ trồng cúc pha lê có tiếng ở địa phương cho biết: “Cúc pha lê hiện nay được thị trường ưa chuộng. Vụ hoa năm rồi, cúc pha lê của gia đình tôi bán rất chạy. Vừa trưng bày bán tại chợ hoa xuân, vừa bán tại vườn nên mới hai mươi mấy Tết vườn hoa đã hết sạch”.

So với các loại cúc khác thì cúc pha lê có thời gian sinh trưởng dài hơn, đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc. Do đó, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại và bảo vệ vườn hoa, ND trồng hoa đều cố gắng trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để trồng hoa sao cho đạt năng suất cao nhất. Ông Phong cho biết, tùy theo kích thước từng chậu mà ông xuống giống vào các thời điểm khác nhau: chậu 8 tấc xuống giống đầu tháng 7 (âm lịch). Các chậu có kích thước nhỏ hơn, thời gian chậm hơn và thường xuống giống cách nhau nữa tháng. Ngoài ra, để cúc pha lê ra hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán, ông Phong sử dụng đèn chiếu sáng để tăng chu kỳ quang học cho cây.

Đầu ra ổn định nên hàng năm gia đình ông Phong có nguồn lợi nhuận đáng kể. Hiện vườn cúc pha lê của ông có khoảng 3.000 chậu lớn, nhỏ và sẽ xuống giống 2 đợt nữa. Bình quân, mỗi chậu cúc pha lê được bán với giá từ 150.000 - 1.500.000 đồng. Thị trường chủ yếu tập trung ở khu vục TP. Châu Đốc. Tuy nhiên, số lượng hàng vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu.

Nhiều năm nay, vụ hoa Tết không những đem lại nguồn thu nhập khá cho ND, mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức thu nhập khá. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn vẫn không khỏi lo ngại trước biến chuyển khó lường của thời tiết và sự bấp bênh của thị trường. Đa số người trồng hoa đều mong muốn có được một năm “mưa thuận, gió hòa” để có một mùa xuân vui vẻ, đầm ấm bên gia đình.

ĐỨC TOÀN