An Giang phải thu hút các doanh nghiệp đủ tầm

14/12/2018 - 06:43

 - Từng có thời gian dài gắn bó, tìm hiểu, nghiên cứu sâu về An Giang, những ý kiến đóng góp, phân tích, chia sẻ của GS.TS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) sẽ góp phần vào định hướng quy hoạch của tỉnh, biến thách thức thành tiềm năng, khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có.

Niềm tự hào nông nghiệp

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, An Giang vốn nằm trong vùng lúa nổi từ xa xưa. Khi lúa cao sản IR5 và IR8 được du nhập vào miền Nam Việt Nam (lúc ấy được gọi là lúa Thần Nông 5 (TN5) và TN8) từ vụ mùa 1968-1969, Chợ Mới là nơi đầu tiên được nông dân (ND) trồng thử và đã khám phá ra con đường có thể đưa đến phồn vinh.

Giống lúa 3,5-4 tháng này khi có nước tưới, phân bón, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu bệnh, năng suất đạt đến 4-5 tấn/ha, rất cao so với 1 tấn/ha của lúa nổi lúc bấy giờ.

Các nhà khoa học đã hướng dẫn ND bỏ hẳn lúa nổi để trồng 2 vụ lúa thần nông: vụ mùa nắng (nay gọi là đông xuân) và vụ mùa mưa (hè thu), rồi để cho nước lũ ngập đồng lấy phù sa và đánh bắt cá, đến khi nước lũ rút bà con lo trồng lúa mùa nắng trở lại.

“Nhu cầu tưới nước vào vụ mùa nắng đã khiến một số ND cơ khí ở Chợ Mới sáng chế máy bơm đuôi tôm đầu tiên của Việt Nam để bơm tưới nước cho ruộng thần nông”- GS.TS Võ Tòng Xuân nhớ lại.

Cần quy hoạch các vùng cây trồng theo nhu cầu doanh nghiệp

Chuyên gia này cho biết, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ND An Giang đã làm cuộc cách mạng trong nông nghiệp (NN): xóa bỏ gần hết 300.000ha lúa nổi bằng cách rầm rộ đào kênh thủy lợi, thiết lập các trạm bơm nước, đẩy mạnh trồng lúa đông xuân và hè thu với giống lúa TN26 và TN73-2 ngắn ngày hơn (được Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Long Định chọn lại).

Sau đổi mới, An Giang dẫn đầu cả nước trong phong trào sản xuất (SX) lúa cao sản, đáp ứng xuất sắc chủ trương an ninh lương thực của Đảng và Nhà nước.

“Đến năm 1994, An Giang đã SX được 2 triệu tấn lúa, năm 2005 đạt 3 triệu tấn, 2010-2015 đạt 4 triệu tấn, bằng 1/10 sản lượng lúa cả nước. Được như thế là do An Giang đi đầu trong chính sách NN, áp dụng “một giá” theo thị trường, ổn định đất canh tác cho ND, mạnh dạn ứng dụng giống lúa mới…” - GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích.

Thách thức bài toán thu nhập

Dù nổi tiếng cả nước về sản lượng lúa nhưng vì giá lúa quá thấp và bấp bênh, trong khi giá thành SX cao nên lợi nhuận của ND thấp, ngân sách thu không đủ chi nên An Giang luôn cần ngân sách trung ương chi viện.

An Giang nổi tiếng là cái nôi của nghề nuôi cá tra, basa nhưng sự phát triển ồ ạt tự phát, cạnh tranh không lành mạnh đã đẩy doanh nghiệp (DN) và ND nhiều phen khốn đốn. Mặc dù tỉnh cố gắng phá thế độc canh cây lúa, phát triển các vùng trồng màu chuyên canh nhưng thu nhập của ND vẫn chưa cao.

Đối với vùng đất ruộng, vùng đất đồi trên các núi, rất thích hợp trồng cây ăn trái đặc sản nhưng phần lớn vẫn SX tự phát, thích gì trồng nấy nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh lúa và cá, An Giang có tiềm năng lớn phát triển vùng cây ăn trái xuất khẩu

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, những tồn tại trên hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng NN của tỉnh.

“An Giang có vùng đồng bằng dưới chân nhiều núi đồi hùng vĩ, có nước lũ về hàng năm đem phù sa bồi đắp và hàng trăm loài thủy sản từ thượng nguồn về sinh sống.

Với một vùng thiên nhiên đa dạng như thế, ND An Giang có thể SX nhiều loại cây trồng có giá trị cao, gia súc, gia cầm, thủy sản để làm nguyên liệu cho chế biến nhiều loại nông - thủy sản khác nhau, đem lợi tức cao cho mình và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực, có thời gian dài ND SX lúa chạy theo sản lượng, chứ không vì chất lượng, dẫn đến thực trạng mật độ sạ quá dày, sử dụng nhiều phân bón (chủ yếu là phân đạm), tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển mạnh, phải tốn công và tiền để phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật, chi phí SX lớn mà gạo lại không ngon, giá trị thấp.

Việc ào ạt đắp đê cao ngăn lũ để tăng thêm lúa vụ 3 khiến đất không được nghỉ ngơi, không bù đắp được phù sa và giảm lượng thủy sản.

Thêm vào đó, đất đai manh mún, ND sử dụng đồng thời nhiều giống lúa, thương lái mua lúa trộn lẫn nhau cung cấp cho các DN. Phần lớn DN kinh doanh gạo không thương hiệu nên giá trị thấp” - GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Một điểm yếu khác của An Giang là dù số lượng DN lớn nhưng phần nhiều là DN vừa và nhỏ, ít có khả năng xây dựng vùng nguyên liệu, tự tìm kiếm thị trường.

“Ở An Giang, không thể chỉ có cây lúa và con cá, nên phát huy các tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, vùng nào có thể SX cái gì có giá trị cao thì phải quy hoạch lại.

Ngay tại các vùng đang bao đê trồng 3 vụ lúa cũng nên đưa vào quy hoạch mới để dân ở đây sớm làm giàu nhờ thay thế 1-2 vụ lúa bằng SX thứ khác. Các nhà đầu tư sẽ có sự chọn lựa tùy theo đầu ra mà họ đã tìm được.

Sẽ có DN chọn vùng quy hoạch trồng xoài, sầu riêng, nhãn, dừa, đậu nành rau, bắp non… có DN chọn liên kết nuôi tôm càng xanh, cá rô phi, cá sặc, cá hú, cá tra… để chế biến sản phẩm đặc trưng bán trong nước hoặc xuất khẩu” - GS.TS Võ Tòng Xuân gợi ý.

Tạo quỹ đất làm ăn lớn

Đây là hướng phát triển tất yếu của nền SX hiện đại mà tỉnh An Giang đang hướng đến. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, khi có nhà đầu tư vào NN cần diện tích lớn, vùng nguyên liệu rộng, tỉnh nên giới thiệu họ về vùng đất đã được quy hoạch mới cho cây trồng hoặc vật nuôi mà họ cần.

Tại vùng quy hoạch mới này, căn cứ trên nhu cầu diện tích đất của dự án mà tỉnh sẽ chỉ đạo cho địa phương xây dựng hợp tác xã (HTX) NN theo diện tích đó. DN và HTX sẽ cùng lãnh đạo địa phương bàn bạc với ND dồn điền lại để xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp kỹ thuật trồng trọt hoặc chăn nuôi (gia súc, thủy sản…), sau đó chia thửa đất lại cho ND (trừ tỷ lệ bỏ ra để làm cấu trúc hạ tầng). ND xã viên sẽ được huấn luyện quy trình kỹ thuật theo VietGAP để SX nguyên liệu đúng chuẩn bán cho DN chế biến.

“Làm như cách này, DN có vùng đất lớn để thực hiện dự án và ND không bị mất đất, bảo đảm đầu ra được tiêu thụ ổn định, lâu dài. Sự thành công của DN sẽ tùy thuộc vào hợp tác của HTXNN.

Sau đó, có thể xã viên sẽ là cổ đông của công ty do DN thành lập, sẽ thụ hưởng tiền lãi của DN ngoài tiền bán nguyên liệu cho chính công ty của mình” - GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, NN là cơ sở sản sinh nguồn tài chính cho quốc gia phát triển. Nguồn tài chính này do kinh doanh các tài nguyên, do thu thuế từ các DN và thuế thu nhập cá nhân của Nhân dân. Vì thế, cách quản trị là làm thế nào cho khối DN phải thành công giàu lên, khối Nhân dân đồng thời cũng giàu lên để ngân sách Nhà nước to lên.

“Tùy theo loại hàng hóa làm ra từ nguyên liệu NN và trình độ kỹ thuật công nghệ của DN mà họ áp dụng công nghệ thích hợp.

Đối với An Giang, lãnh đạo tỉnh đặt quyết tâm rất lớn hướng đến NN ứng dụng công nghệ cao (CNC), NN 4.0. Đây là trình độ công nghệ cao của thế giới, sử dụng kỹ thuật số, mọi vật đều có thể nối vào nhau qua Internet, không cần có người điều khiển tại chỗ, chỉ cần một thao tác trên điện thoại thông minh.

Đối với NN An Giang, ND áp dụng CNC là người SX cây trồng, vật nuôi với chất lượng cao nhất (an toàn vệ sinh thực phẩm, hương vị ngon thơm tự nhiên), năng suất tối ưu, giá thành thấp, không sản sinh khí nhà kính (giảm biến đổi khí hậu), không làm ô nhiễm đất và nước.

Để đạt được tiêu chuẩn CNC này, ND sử dụng chế phẩm mới nhất của thời đại trong quy trình SX: giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kích kháng sâu bệnh.

Ứng dụng quy trình NN CNC này cho tất cả cây trồng và vật nuôi sẽ giúp ND An Giang giàu lên vững chắc, các DN sẽ phát đạt, và ngân sách Nhà nước sẽ tăng mạnh” - GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN