An Giang phát triển hạ tầng du lịch

12/11/2018 - 08:12

 - Những năm qua, An Giang có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cấp mở rộng hệ thống giao thông để tạo thành tuyến du lịch liên hoàn phục vụ phát triển du lịch. Chú trọng đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Tỉnh An Giang phấn đấu xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch thiết yếu, kết nối các tuyến du lịch trong tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Giai đoạn 2016-2020, ngân sách tỉnh, vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương tập trung vốn 3.826 tỷ đồng đầu tư các dự án lĩnh vực hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu du lịch phục vụ phát triển du lịch. Đã hoàn thành các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ kết nối giao thông đến cụm du lịch Châu Đốc: trục Quốc lộ 91, Tỉnh lộ 955A. Kết nối giao thông đến điểm, cụm du lịch huyện Tri Tôn - Tịnh Biên: trục N1 Châu Đốc- Hà Tiên đi qua địa bàn huyện Tịnh Biên; tuyến Tỉnh lộ 955B từ thị trấn Tri Tôn đến tuyến N1; tuyến Tỉnh lộ 958 từ Tri Tôn đến Quốc lộ 80 (Kiên Giang). Kết nối giao thông đến điểm, khu du lịch di tích Óc Eo - Núi Sập: Tỉnh lộ 943, tuyến Thoại Giang - Xã Diễu, Tỉnh lộ 941 kết nối Quốc lộ 91 với thị trấn Tri Tôn, Tỉnh lộ 944…

Tỉnh đầu tư 257 tỷ đồng xây dựng điểm du lịch văn hóa tại các khu di tích, khu, điểm du lịch gắn với các loại hình du lịch tâm linh, tham quan, tìm hiểu lịch sử. Điển hình như: Khu du lịch núi Sập, Khu du lịch Soài So, cơ sở hạ tầng Khu du lịch núi Cấm, tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, đường lên đỉnh núi Sam, tuyến đường vòng Công viên văn hóa núi Sam (kết hợp bãi đậu xe)... Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều thông tin: "Viettel An Giang tổ chức lắp đặt 24 vị trí camera tại các khu, điểm du lịch: rừng tràm Trà Sư, khu vực núi Cấm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Tiếp tục khảo sát lắp đặt thêm 30 vị trí camera tại các khu, điểm: cù lao Giêng (Chợ Mới), Khu di tích lịch sử đồi Tức Dụp (Tri Tôn), Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (TP. Long Xuyên)".

Tỉnh đã hoàn thành, phê duyệt 2 quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên), quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 công viên trò chơi (phần chân núi), xã An Hảo (Tịnh Biên). Phê duyệt 2 đồ án quy hoạch: phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch bắc Miếu Bà (phường núi Sam, TP. Châu Đốc), đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo Núi Sam (TP. Châu Đốc). Cấp phép xây dựng 2 dự án: Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ- cáp treo núi Sam (TP. Châu Đốc) diện tích 7,7ha; dự án Thiền viện Trúc lâm An Giang tại thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn) diện tích 11,61ha.

Hoàn thành 3 quy hoạch khu, điểm du lịch cấp quốc gia và cấp tỉnh: quy hoạch phát triển Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên) giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển du lịch 3 xã cù lao Giêng (Chợ Mới) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia núi Sam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (ngày 13-7-2018, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định công nhận Khu du lịch núi Sam là khu du lịch cấp quốc gia). Tỉnh tạm dừng triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Thoại Sơn giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và quy hoạch phát triển du lịch Khu du lịch sinh thái lòng hồ  Tân Trung- Vàm Nao (Phú Tân) giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 59/CTr-UBND tỉnh về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, viễn thông đối với sự phát triển của ngành du lịch. Giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh An Giang tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông tại các khu, điểm du lịch nổi bật. Các sở, ngành và địa phương cần nghiên cứu, phân tích và đề xuất các giải pháp phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, điều kiện của địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, hướng đến mục tiêu đưa An Giang trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực ĐBSCL và cả nước.

An Giang thu hút 13 dự án với tổng mức đầu tư 3.875 tỷ đồng. Tập trung vào các dự án Khu công viên trò chơi núi Cấm, cáp treo núi Cấm, dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - cáp treo núi Sam, dự án khách sạn nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc... góp phần tạo nhiều điểm nhấn thu hút du khách đến An Giang.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU