An Giang quản lý chặt sản xuất, kinh doanh lúa giống

26/06/2018 - 14:12

Theo thống kê, ĐBSCL chỉ có khoảng 10 - 20% lượng lúa giống được kiểm định chất lượng trước khi bán ra thị trường.

A A

Đó là nguồn giống gốc do các cơ quan nghiên cứu chính thống, các trung tâm giống của địa phương và một số DN SX được quản lý. Còn lại là giống trôi nổi do các tổ chức, nông hộ tự SX trao đổi với nhau không qua kiểm nghiệm.

Kiểm tra chất lượng lúa giống trước khi đưa ra thị trường

An Giang là tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa gạo của cả nước, góp phần đáng kể vào đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Với diện tích sản xuất lúa của tỉnh khoảng 530.000ha mỗi năm đòi hỏi một lượng lúa giống rất lớn để phục vụ nhu cầu SX; trong khi năng lực cung cấp giống hàng năm của các trại và trung tâm giống chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Chính vì thế vấn đề “đẩy mạnh công tác sản xuất lúa giống” được đặt ra đối với ngành nông nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu lúa giống phục vụ cho SX đồng thời nâng cao dần chất lượng lúa gạo xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Huỳnh Hiệp Thành, GĐ Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết: Địa phương có ưu thế là chương trình xã hội hóa công tác giống lúa làm rất thành công, với hơn 200 tổ SX cung ứng giống chất lượng cao. Hiện các tổ SX lúa giống có gần 20.000ha, đảm bảo đủ nhu cầu phục vụ giống của toàn tỉnh và bán cho các tỉnh ở ĐBSCL.

Ngoài ra lượng lúa giống trong tỉnh còn xuất khẩu sang Campuchia. Hiện một số tổ, đội còn đứng ra SX cho các Cty thương mại trong ngành giống ở các tỉnh ĐBSCL. Mỗi năm An Giang SX trên dưới 85.000 tấn lúa giống cung cấp ra thị trường nội vùng ĐBSCL và Campuchia. Nhờ đó, người dân có điều kiện tiếp cận với nguồn giống chất lượng, giá cả phù hợp.

Hơn nữa trình độ SX lúa của nông dân khá cao. Họ biết chọn các giống phù hợp trên vùng đất đang canh tác để đưa vào SX, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị SX tung ra những loại giống kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh, khiến thị trường nhiễu loạn, ảnh hưởng đến uy tín của DN làm ăn đàng hoàng. Chung quy chỉ vì hám lợi và quá dễ làm, nếu bán lúa thịt 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhưng khi đã có giấy chứng nhận kiểm nghiệm là lúa giống có thể bán ra giá cao gấp đôi, trên 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Phước Thành, Trưởng phòng Trồng trọt và kiểm dịch thực vật (Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang) cho biết, công tác kiểm tra và quản lý chất lượng lúa giống hiện vô cùng khó khăn. Nhiều DN không có vùng nguyên liệu SX lúa giống trong tỉnh. Vùng nguyên liệu và nhà kho của họ lại ở tỉnh khác. Vấn đề này cần sự hỗ trợ của từ phía thanh tra Bộ NN-PTNT. Cần tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng của từng lô hàng giống trước khi đưa ra thị trường. Từ đó có thể ngăn chặn tình trạng SX lúa kém chất lượng đóng bao bán cho người dân.

Một Cty kinh doanh lúa giống chất lượng cao tại địa phương nhận định: Hiện ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh có phòng kiểm nghiệm, kiểm định lúa giống là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Trong khâu kiểm định chất lượng lúa giống, do không có phương tiện cũng như nhân lực nên các đơn vị SXKD phải tự thuê mướn những tổ chức được Cục Trồng trọt cấp phép thực hiện. Chính vì còn ít trung tâm kiểm nghiệm nên việc quản lý chưa chặt. Riêng địa bàn An Giang có khoảng 10 cơ sở kinh doanh giống có uy tín, còn lại là hàng trăm cơ sở hoặc tổ hợp tác SX lúa giống làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

Chất lượng lúa giống không thể nhận biết bằng mắt thường và phải cần tới thiết bị chuyên dùng. Hiện nay, trong vùng các cơ quan chuyên ngành như Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ và Viện Lúa ĐBSCL có phòng kiểm nghiệm giống. Riêng tại An Giang có 2 đơn vị kiểm nghiệm giống nông nghiệp.

Ông Trần Thanh Tuyến, GĐ Trung tâm Kiểm định và kiểm nghiệm giống nông nghiệp An Giang cho rằng, trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm và cấp phép, quản lý những đơn vị SX lúa giống có đăng ký kinh doanh. Sản phẩm làm ra được đóng gói và có thương hiệu. Những tổ chức, cá nhân tự SX hoặc trao đổi giống với nhau thì không quản lý được. Muốn SX-KD lúa giống, đơn vị phải có giấy phép của Sở KH-ĐT (đối với Cty, DN) hoặc UBND huyện cấp (đối vối cá nhân). Chủ cơ sở phải học qua lớp quản lý nhà nước về giống lúa và phải có cơ sở vật chất như ruộng SX, lò sấy, máy tách hạt, đóng bao…

Ông Từ Bá Đạt, Tổ trưởng Tổ giống xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú cho biết: “Muốn giữ thương hiệu giống lúa, người làm giống phải có cái tâm. Bên cạnh đó đề nghị ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm soát các cơ sở SXKD giống, loại bỏ các đơn vị không đủ điều kiện hoặc làm ăn gian dối làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu giống lúa An Giang”.

An Giang là tỉnh có tỷ lệ dùng giống cấp xác nhận khá cao, khoảng 80 - 90% dẫn đầu ĐBSCL, trong khi bình quân các tỉnh trong vùng chỉ đạt khoảng 30 - 35%. Mỗi khi sắp vào vụ, ngành chức năng luôn tăng cường khuyến cáo nông dân áp dụng chương trình giảm giống, sử dụng giống cấp xác nhận để đảm bảo đầu ra không gặp trở ngại.

Theo LÊ HOÀNG VŨ (Nông Nghiệp)