An Giang tập trung thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương

01/10/2018 - 07:31

 - Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương (CQĐP) nhằm đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyết định, tổ chức thực hiện pháp luật ở địa phương là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Hoạt động của HĐND có nhiều khâu nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn chưa có quy định chi tiết 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đề ra chủ trương, chính sách và thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tổ chức hoạt động của HĐND và UBND các cấp, hướng tới mục tiêu xây dựng CQĐP vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Điều này thể hiện rõ trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng và trong các nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI), kết luận Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI)… đều thống nhất quan điểm đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của CQĐP làm quan điểm chỉ đạo cho việc xây dựng và thông qua Luật Tổ chức CQĐP.

TP. Long Xuyên là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Sau 3 năm thực hiện Luật Tổ chức CQĐP cho thấy, tổ chức và hoạt động của UBND thành phố, phường, xã đã đi vào ổn định. Nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP, của UBND thành phố, phường, xã đã được thực hiện đúng luật định; kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương có bước tăng trưởng ổn định, nhiều vấn đề bức xúc ở địa phương được quan tâm giải quyết. Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Từ khi có Luật Tổ chức CQĐP, UBND TP. Long Xuyên đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp xây dựng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan theo Thông tư liên tịch hướng dẫn để trình ban hành. Nhất là, UBND thành phố mạnh dạn phân cấp, tập trung chỉ đạo, đổi mới lề lối làm việc, thường xuyên tiếp công dân và làm việc với UBND các phường, xã để nắm tình hình; qua đó kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. UBND thành phố đã phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các ủy viên UBND phụ trách các lĩnh vực công tác theo đúng thẩm quyền có sự phối hợp, thống nhất thông qua việc tổ chức giao ban, hội ý… Các ngành, đơn vị đã xây dựng quy chế hoạt động để xác định chức năng, nhiệm vụ ngành mình và trách nhiệm cá nhân trong thi hành công vụ, mối quan hệ phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh…

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho rằng: khi Luật Tổ chức CQĐP có hiệu lực, cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh, các tài liệu phổ biến, tập huấn của tỉnh, huyện đã giúp địa phương hiểu rõ nội dung của luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, viên chức trong tham mưu và thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương. Việc quy định mở rộng số lượng ủy viên UBND cấp huyện đã phát huy trí tuệ tập thể của UBND trong quản lý, điều hành các hoạt động và trong quyết định các vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, việc quy định giảm số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với cấp huyện, xã (loại 2, 3) gây khó khăn trong phân công chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ ở địa phương (đơn cử như huyện An Phú còn khuyết 2 Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu và Vĩnh Lộc).

Bên cạnh việc mang lại hiệu quả trong quản lý, điều hành, một số quy định của luật này cho thấy những hạn chế, chưa phù hợp thực tế, như: việc quy định 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện dẫn đến tăng biên chế ở địa phương, trong khi cả nước đang thực hiện mạnh mẽ việc tinh giản biên chế; luật không quy định thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã đã gây khó khăn trong các hoạt động của HĐND cấp xã khi xem xét, quyết định, thực hiện các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND nói riêng và HĐND cấp xã nói chung, nhất là trong hoạt động giám sát; luật không quy định HĐND xã có thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp xã; chưa quy định cụ thể về: nội dung phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng, những vấn đề Thường trực HĐND được quyết định giữa 2 kỳ họp; cơ chế giám sát của Tổ đại biểu HĐND cấp huyện… Bên cạnh đó, hoạt động của HĐND có nhiều khâu nhưng Luật Tổ chức CQĐP vẫn chưa được quy định chi tiết.

Các địa phương kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức CQĐP theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về quy định thẩm quyền và trình tự thực hiện của từng cấp HĐND trong việc xem xét, thông qua các đề án phân loại đô thị; bỏ quy định tại Khoản 7 (Điểm a, mục 5) về bổ nhiệm ủy viên UBND vào chức danh người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp sau khi HĐND bầu chức danh ủy viên UBND…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH