An Giang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII)

20/11/2018 - 06:50

 - Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến 3 dự thảo Kế hoạch hành động của Tỉnh ủy thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Đó là thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết số 27-NQ/TW về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”; Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng thông qua dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW

“Hiến kế” cho tỉnh

Các dự thảo đều tập trung đưa ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể; nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hiệu quả các nghị quyết Hội nghị Trung ương 7. Hơn 50 lượt ý kiến của đại biểu đóng góp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết. Đối với dự thảo về Nghị quyết số 26-NQ/TW, có ý kiến thống nhất chủ trương “bí thư cấp ủy không là người địa phương” và đề nghị thực hiện hoàn thành vào năm 2020 hoặc 2025. Việc nhất thể hóa các chức danh hoặc cấp ủy không phải là người địa phương nên thực hiện tại địa phương có điều kiện, với lộ trình và bước đi phù hợp, không nóng vội, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Một số ý kiến đề nghị tỉnh cần chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, nữ các cấp, để tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ mới; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng, ý thức tổ chức kỷ luật cho cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế; tổ chức thí điểm việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý...

Đối với dự thảo về Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thiện Phú khẳng định: “Cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức đối với người sử dụng lao động, người lao động về trách nhiệm, quyền lợi, quan hệ lao động giữa đôi bên. Cần khảo sát mức sống, thời gian làm việc, năng suất lao động… từ đó cơ quan có thẩm quyền đề xuất Trung ương áp dụng mức tiền lương tối thiểu vùng; góp ý thủ trưởng, doanh nghiệp đưa ra mức tiền lương phù hợp. Tổ chức công đoàn thực hiện tốt hơn vai trò thương lượng, thỏa thuận tiền lương, công, thưởng cho người lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát pháp luật trong lĩnh vực này”.

Đối với dự thảo Nghị quyết số 28-NQ/TW, nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh nên giao chỉ tiêu phát triển tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương, gắn với cơ chế khen thưởng, phê bình, đánh giá hàng năm. Việc thực hiện chỉ tiêu “Phấn đấu tỷ lệ tăng bình quân hàng năm 2%, đến năm 2030 đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội” là cao, rất khó thực hiện. Cần bổ sung giải pháp “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát”, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách này…

Cần quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ

Thông qua các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát thực trạng của tỉnh, bổ sung phụ lục số liệu; hoàn chỉnh bố cục, văn phong, thể thức văn bản; cân nhắc và thống nhất chỉ tiêu, giải pháp cụ thể thực hiện một số nội dung phù hợp với tình hình thực tế, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thống nhất ban hành.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW là quan trọng nhất, vì cán bộ là gốc của mọi công việc. Cần cân nhắc thêm các chỉ tiêu được đề ra: đến năm 2025, tỉnh “cơ bản” thực hiện “bí thư cấp huyện, xã không phải là người địa phương”, thay cho “hoàn thành”; liệu “đến năm 2030, 25-35% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế” hay không? Chỉ tiêu là quan trọng, nhưng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện càng quan trọng hơn, cần phải suy nghĩ, trăn trở nhiều. Đầu tiên, phải đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng đội ngũ cán bộ hiện nay của từng cấp, ngành trong tỉnh để có cái nhìn đúng mức. Thứ hai, phải xem Kế hoạch hành động này là nhiệm vụ rất quan trọng cho Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng trước mắt lẫn lâu dài, để tập trung đúng mức, bằng tinh thần tích cực, trách nhiệm, quyết liệt. Tuy nhiên, không được nôn nóng, chủ quan, duy ý chí, bởi đội ngũ cán bộ không thể có trong một sớm một chiều.

“Có nguồn tốt thì chúng ta mới có tinh hoa. Đội ngũ cán bộ chiến lược là tinh hoa của tinh hoa. Để có đội ngũ này, cần chia 2 nhóm công việc để làm. Thứ nhất, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ hiện có để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Việc “khơi thông nguồn lực”, hoàn thiện thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, để họ làm việc, cống hiến, phấn đấu làm việc hết trách nhiệm… là quan trọng nhất. Thứ hai, chuẩn bị nguồn cán bộ để đáp ứng yêu cầu của tình hình sắp tới. Sau 5-10 năm nữa, đội ngũ kế thừa của chúng ta như thế nào là do công việc chuẩn bị từ hôm nay. Nên đổi mới, đột phá về chuẩn bị nguồn, đào tạo đối với sinh viên, người lao động, cán bộ trẻ; chú trọng ngay từ cấp phổ thông để hiệu quả cao hơn, đón đầu xu hướng mới của thế giới và nước nhà. Có chế độ đãi ngộ dành cho người An Giang đang công tác, học tập, sinh sống tại quê nhà; người con An Giang tài giỏi sinh sống ở khắp nơi; người có tình cảm đặc biệt với An Giang… để họ cống hiến chất xám, tâm huyết cho tỉnh. Nếu biết cách thu hút, tỉnh sẽ có nguồn nhân lực tốt, đóng góp cho sự phát triển của địa phương” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân phân tích.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH