An Giang với cuộc chiến chống thảm họa ma túy - Kỳ 1: Nỗ lực không ngừng nghỉ

26/11/2018 - 07:14

 - Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” ra đời trong bối cảnh tình hình ma túy có những diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác phòng, chống ma túy. Sau 10 năm thực hiện, cả nước nói chung, An Giang nói riêng đã có nhiều thành tích tốt trong cuộc chiến chống thảm họa ma túy.

Khen thưởng các tập thể đạt thành tích xuất sắc sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW

Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU ngày 7-7-2008; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 17-10-2008 và các chương trình hành động, kế hoạch khác có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy. Các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai đến cấp cơ sở để thực hiện đồng bộ công tác này. Đồng thời, thành lập ban chỉ đạo phòng, chống ma túy ở từng cấp do công an làm nòng cốt, các thành viên khác có liên quan tham gia.

Sau 10 năm, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến khá rõ nét nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm tham gia, tích cực đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Hầu hết cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, xây dựng môi trường sống lành mạnh.

Theo đại tá Nguyễn Tấn Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh, 10 năm qua, tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 925 vụ, liên quan 1.565 đối tượng có hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, trồng cây chứa chất ma túy; thu giữ hơn 1.921gr heroin; 5.539gr methamphetamine; 1.650gr ma túy tổng hợp; 143kg và 1.026 cây cần sa; 2.838 viên thuốc lắc, cùng nhiều vật chứng, tài sản khác có liên quan. Đồng thời, truy tố 627 vụ, 968 bị can; đưa ra xét xử 530 vụ, 745 bị cáo. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy từng bước được nâng lên, bảo đảm tính nghiêm minh, giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm. Tại các cửa khẩu và khu vực biên giới, lực lượng hải quan, công an, bộ đội Biên phòng tạo thành “3 lá chắn” phòng, chống ma túy; duy trì tốt mối liên hệ với Văn phòng liên lạc phòng, chống ma túy qua biên giới (BLO) với nước bạn Campuchia để trao đổi thông tin.

Tỉnh đã bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời, đảm bảo cho các đơn vị, địa phương thực hiện công tác phòng, chống ma túy; đầu tư xây dựng Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội… Qua đó, tiếp nhận, quản lý và cai nghiện gần 4.000 lượt người nghiện; cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho 7.000 lượt người nghiện không có nơi cư trú. Có 3 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu điều trị cho gần 500 lượt người nghiện. Các ngành, MTTQ và đoàn thể các cấp đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho người sau cai nghiện hoàn lương về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Hơn 60% người được giới thiệu việc làm được nhận vào cơ sở sản xuất - kinh doanh, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tổ đội bốc vác. Hầu hết đều có thu nhập ổn định, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất việc tái nghiện.

Năm 2010, UBND tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” tại phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) và thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân), sau đó nhân rộng trong toàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng, củng cố, nâng chất hoạt động các tổ chức nòng cốt giữ gìn an ninh trật tự ở địa bàn dân cư (củng cố 15.490 tổ tực quản, 986 đội dân phòng; thành lập mới 1.773 tổ tự quản, 238 đội dân phòng). Nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội được tổ chức, như: “Họp mặt, giúp đỡ những người hoàn lương”, “Nhà trọ không tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Quản lý con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn giáp ranh”…

Là địa phương có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, TP. Long Xuyên đã rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn. “Đó là phải nâng cao sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo kịp thời của UBND; vai trò chủ động, nòng cốt của công an trong quá trình thực hiện các chỉ đạo của cấp trên; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác này. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật phù hợp, phong phú để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống ma túy. Lực lượng chuyên trách phải được đổi mới về nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy. Làm tốt công tác cán bộ, bố trí kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất, chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác chuyên trách lẫn tập huấn, bồi dưỡng lực lượng ở địa bàn cơ sở” - Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Nguyễn Phú cho biết.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG

Kỳ 2: Khó khăn chồng chất