An Giang xây dựng chính quyền điện tử

29/10/2019 - 07:53

 - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng đô thị thông minh, xã hội thông minh và việc triển khai đề án “An Giang điện tử” là một trong những nhiệm vụ trọng yếu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của tỉnh An Giang; góp phần xây dựng chính quyền năng động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới…

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm thư viện Trường Đại học An Giang. Ảnh: HỮU HUYNH

Ngày 22-3-2019, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 618/QĐ-UBND phê duyệt khung Đề án “An Giang điện tử” giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đã công bố khung đề án “An Giang điện tử”, hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, tỉnh đã xây dựng trục kết nối hệ thống phần mềm “một cửa” tỉnh với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, để thuận lợi cho cán bộ, viên chức trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, cụ thể: kết nối với cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh, quản lý đất đai 1 cấp và đang kết nối cơ sở dữ liệu hộ tịch, lý lịch tư pháp của Bộ Tư pháp thông qua trục kết nối quốc gia…

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Hải cho biết, tất cả các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố có thực hiện giải quyết thủ tục hành chính đã triển khai cổng Dịch vụ công trực tuyến (18/18 sở, ngành có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; 11/11 UBND cấp huyện, 156/156 UBND cấp xã) đã tích hợp thông tin tình trạng hồ sơ vào trang một cửa trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ.

Đến nay, 100% cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể đều gửi - nhận văn bản trên môi trường mạng. Duy trì, phát triển hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã bằng hình thức thuê dịch vụ CNTT. 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, nhà nước. Cùng với đó, tỉnh tăng cường triển khai ứng dụng CNTT trong các ngành, lĩnh vực. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động bưu chính, chuyển phát, xây dựng hạ tầng logistics để phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; khuyến khích cán bộ, viên chức làm gương, đi đầu trong thanh toán điện tử các dịch vụ công.

Trong hoạt động du lịch, phần mềm quản lý và quảng bá du lịch và đăng ký lưu trú đã được UBND tỉnh cho phép triển khai thí điểm, từng bước áp dụng mô hình du lịch thông minh, nhằm cung cấp thông tin các điểm mua sắm với mức giá cụ thể, các điểm ăn uống, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bán đặc sản của địa phương, các làng nghề truyền thống, cây dược liệu; phần mềm còn nhận diện và thống kê lượng khách viếng thăm khu, điểm du lịch. Thiết bị chuyển đổi ngôn ngữ tại các điểm mua sắm, ăn uống, nhà nghỉ… thanh toán tiền qua thiết bị thông minh hoặc ví điện tử, phát wifi công cộng, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với An Giang.

Ngành nông nghiệp đã triển khai quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có 47 doanh nghiệp thực hiện liên kết “Cánh đồng lớn” thông qua 19 hợp tác xã, 31 tổ hợp tác và các hộ nông dân với diện tích hơn 33.500ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ thực hiện trên 40 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững gắn liền với ứng phó để thích nghi biến đổi khí hậu... cùng với ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội.

Sở Giao thông - Vận tải đã tạo fanpage “Tiếp nhận ý kiến đề xuất và trả lời người dân, doanh nghiệp” (https://www.facebook.com/sogtvtag/); kết nối zalo để bộ phận đăng ký trực tuyến thủ tục hành chính có thêm phương thức, công cụ giao tiếp, hướng dẫn và giải đáp trực tuyến với người dân, doanh nghiệp… Gần 1 năm hoạt động, mạng xã hội facebook, youtube của sở đã kết nối với hơn 1.500 người, trung bình mỗi tuần có 4 bản tin, bài viết, video clip; mỗi thông tin có từ 350 đến hơn 2.300 lượt xem và có nhiều chia sẻ trên mạng xã hội.

Trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đã triển khai lắp đặt hơn 10.841 camera giám sát; có 3 trung tâm điều hành ở TP. Long Xuyên, Châu Phú và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Đồng thời, trang bị hệ thống camera giám sát tuyến biên giới, cửa khẩu, phần mềm thống kê và nhận dạng người qua lại cửa khẩu, passport điện tử, đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

Các phần mềm quản lý thanh tra khiếu nại tố cáo, quản lý dự án đầu tư, quản lý giao và thuê đất, phần mềm quản lý kho, quản lý cơ sở dữ liệu hồ sơ đất đai đã được xây dựng và chuyển giao. Ngành y tế triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT, giúp nhân viên y tế tiết kiệm thời gian khám, chữa bệnh. Việc triển khai bệnh án điện tử được triển khai thành công tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh (TP. Châu Đốc) đang được nhân rộng, góp phần số hóa điện tử ngành y tế và chia sẻ thông tin về bệnh án từ tuyến huyện lên tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đánh giá cao việc triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông ở An Giang, khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã tạo lập môi trường làm việc điện tử, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cấp huyện, xã. Ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu tỉnh cần tạo khung chính sách hỗ trợ để thu hút nguồn lực và sử dụng hiệu quả để phát triển lĩnh vực CNTT, truyền thông. Mong muốn An Giang mỗi năm dành 1% ngân sách đầu tư cho hoạt động CNTT - truyền thông; trong triển khai các dự án CNTT cần đảm bảo an toàn, lâu dài, hiệu quả để xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến sự giản tiện cho người dân, doanh nghiệp.

HỮU HUYNH