An Phú tập trung khai thác lợi thế biên giới

09/02/2019 - 08:24

 - An Phú là huyện đầu nguồn, tiếp giáp biên giới Campuchia và TP. Châu Đốc với nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế. Cùng các cửa khẩu là tuyến biên giới dài hơn 42km và mạng lưới trung tâm thương mại, hệ thống chợ đã góp phần khai thác kinh tế biên mậu hiệu quả.

Động lực phát triển

Sau Khánh An, Đa Phước là xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2018 của huyện An Phú. Chủ tịch UBND xã Đa Phước Võ Bửu Hải cho biết, xã đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển sản xuất nông sản và các thiết chế văn hóa, giáo dục… Qua đó, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất, văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.

Đa Phước giáp ranh với TP. Châu Đốc - nơi phát triển mạnh các ngành, nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi cho xã kêu gọi đầu tư, triển khai hoàn thành dự án phát triển kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Xã Đa Phước nằm dọc Tỉnh lộ 957, Quốc lộ 91C qua địa phận dài 13,3km, cặp theo sông Hậu và sông Châu Đốc nên thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ; có làng bè, làng Chăm Đa Phước đã hình thành và phát triển 120 năm; đình thần Đa Phước được công nhận di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia… nên việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa, điều kiện tiếp cận thông tin, giao lưu văn hóa và phát triển thương mại, du lịch rất thuận tiện. Đặc biệt, ngày 23-11-2018, UBND tỉnh công nhận xã Đa Phước là đô thị loại V (Quyết định số 2960/QĐ-UBND). Đây là tiền đề để Đa Phước xây dựng hạ tầng theo tiêu chí cao hơn, đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế.

Ngược lên Long Bình, thị trấn năng động ven biên, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Tổng mức bức bán lẻ hàng hóa bình quân khoảng 12,75 tỷ đồng, chủ yếu là mặt hàng vải sợi, đồ gia dụng, rau, củ, quả… Bến nông sản tập kết 14.400 tấn để trung chuyển hàng hóa sang Campuchia và các địa phương khác. Chủ tịch UBND thị trấn Long Bình Phan Văn Tường cho biết: “Long Bình tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng cửa khẩu biên giới để mời gọi đầu tư, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ và kinh tế biên giới. Tập trung phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển chung. Đồng thời, chỉnh trang đô thị, khai thác hiệu quả lợi thế cầu Long Bình - Chrey Thom, xứng tầm là thị trấn năng động ven biên”.

An Phú tập trung khai thác lợi thế biên giới

An Phú thành công với mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: H.H

Khai thác lợi thế biên giới  

An Phú có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biên giới, nhưng trụ cột vẫn là lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và đảm bảo chất lượng nông sản. Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Ngọc Huynh cho biết, năm 2018, tổng sản lượng lương thực đạt 254.785 tấn (lúa 211.552 tấn, màu 43.233 tấn), tăng 9.818 tấn so năm 2017; năng suất bình quân cả năm đạt 6,37 tấn/ha, cao hơn 0,27 tấn/ha so năm trước. Toàn huyện thực hiện mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu rầy trong sản xuất lúa được 446,8ha; thực hiện 5 nhà màng, với tổng diện tích 5.506m2 trồng dưa lưới và ươm cây giống… và 5 mô hình công nghệ sinh thái kết hợp “1 phải, 5 giảm” trên diện tích 76ha.

Doanh số toàn ngành thương mại - dịch vụ 12.310 tỷ đồng, tăng 12,42% so cùng kỳ, trong đó tổng mức bán lẻ và dịch vụ ăn uống, lưu trú 3.720 tỷ đồng, tăng 10,7% so năm 2017. Đặc biệt, giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới khoảng 1 tỷ USD, tăng gần 200% so cùng kỳ. Toàn huyện có 947 cơ sở sản xuất - kinh doanh (10 doanh nghiệp tư nhân), với tổng vốn đầu tư 45,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.076 lao động.

Nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển, toàn huyện triển khai 99 danh mục công trình đầu tư xây dựng, với kế hoạch vốn 211,5 tỷ đồng. Đã thi công hoàn thành 81 danh mục công trình, đang triển khai thi công 12 danh mục… Người dân An Phú phấn khởi hơn khi Quốc lộ 91C vừa được nâng cấp, láng nhựa, nhiều đoạn mở rộng thêm 2m, tạo điều kiện lưu thông dễ dàng trên tuyến giao thông huyết mạch từ Cồn Tiên lên biên giới Long Bình. Đồng thời, kết nối liên hoàn với Tỉnh lộ 957 đang hoàn thiện, tạo nhiều thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Công tác cải cách hành chính tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Các lực lượng trên địa bàn tăng cường phối hợp tuần tra, canh gác, nắm tình hình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, tuyến biên giới ổn định, giữ vững mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với chính quyền và các lực lượng Campuchia.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Mai Minh Hùng cho biết, An Phú đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế biên giới. Huyện tiếp tục vận dụng các chủ trương, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là kinh tế biên giới; quan tâm phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản, các kho bãi… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, các dự án đầu tư tại cụm công nghiệp… góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm 2019, huyện An Phú đề ra 21 chỉ tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu thu ngân sách Nhà nước trên 80 tỷ đồng, giảm nghèo ít nhất là 2%, bảo hiểm y tế toàn dân đạt 89%; phấn đấu đến cuối năm xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới Khánh Bình… Cùng với đó, tăng cường khai thác tốt lợi thế biên giới và hệ thống chợ, trung tâm thương mại. Tăng cường kiểm soát thị trường, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới. 

HỮU HUYNH