An toàn thông tin

25/02/2019 - 07:40

 - An toàn thông tin là bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin nói chung khỏi các truy cập trái phép, sử dụng, làm lộ, làm hỏng, chỉnh sửa, ghi chép không được phép… Vì thế, bảo vệ thông tin trở thành yêu cầu không thể thiếu trong mọi hoạt động nói chung và hoạt động điện tử nói riêng.

Bảo mật thông tin là cực kỳ quan trọng.Ảnh: H.H

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (gồm: trí tuệ nhân tạo - vạn vật kết nối - dữ liệu lớn), với sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vạn vật bên cạnh việc mang lại những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin mang đến nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo an toàn thông tin. Ngoài các nguy cơ tấn công mạng như: lây nhiễm mã độc, xâm nhập hệ thống lấy cắp dữ liệu… sự xuất hiện mã độc tống tiền (hoặc gắn “chip” giả rút tiền) ngày một tinh vi và gây tổn thất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp. Đặc biệt, lỗ hổng bảo mật wifi gây nguy hại cho người dùng, bởi hầu hết mọi người khi vào những nơi truy cập wife “free” cũng thoải mái sử dụng, chia sẻ thông tin mà ít khi chú ý đến tính bảo mật.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT - Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2016, Việt Nam phát hiện 135.190 cuộc tấn công mạng, tăng hơn 3 lần so năm 2015. Năm 2018, có hơn 9.300 vụ tấn công mạng nhắm vào các website của Việt Nam. So với năm 2017, với 9.964 sự cố tấn công thì các cuộc tấn công mạng có xu hướng giảm nhưng không đáng kể… Việt Nam có khoảng 98% người dùng internet mua hàng qua mạng và được xếp thứ 3 trong “top 10” quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet (chỉ xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc)… Có thể thấy, những tiến bộ vượt bậc của công nghệ mang lại nhiều tiện ích nhưng là cơ hội để tội phạm công nghệ cao khai thác tấn công mạng. Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế về chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) năm 2017, Việt Nam đứng vị trí 101 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá về an toàn thông tin.

Có thể nói, vấn đề an toàn thông tin chưa bao giờ được đề cập nhiều và quan trọng như ngày nay. Khi mà mọi dữ liệu cá nhân hay thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, thậm chí bí mật quốc gia cũng có thể dễ dàng bị “hack” lấy cắp nhằm phục vụ cho những mục tiêu có chủ đích. Không khó hiểu vì sao điện thoại chúng ta sử dụng lại thường xuyên bị nhận tin nhắn rác hoặc bị gọi từ những số lạ, máy tính cá nhân (hoặc cơ quan) bị “hack” tấn công (dù cài chế độ bảo mật). Đó là chưa kể tình trạng selfie, tự update thông tin cá nhân lên facebook, zalo… đang rất được nhiều người “sống ảo” ưa thích. Bởi, công nghệ số phát triển đến mức mọi thông tin, dữ liệu có thể dễ dàng chia sẻ với nhau. Điển hình như việc để lộ, lọt bảo mật thông tin hành khách đi máy bay của 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific là do nhân viên các hãng và lỗ hổng phần mềm, chỉ một phần do đại lý bán vé.

Tình trạng mất an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử ngày càng gia tăng về số lượng. Nhiều vụ “hacker” tấn công vào máy chủ các ngân hàng lấy cắp nhiều khoản tiền khổng lồ; nhiều vụ gắn “chip” giả rút tiền các máy ATM, quẹt thẻ thanh toán. Thậm chí, gã “khổng lồ” facebook dính bê bối khi tháng 3-2018 làm lộ lọt thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng. Cuối tháng 9-2018, facebook tiếp tục thông báo về một lỗ hổng bảo mật trong tính năng “view as”, lỗ hổng bảo mật này cho phép tin tặc chiếm đoạt mã truy cập (access token) để truy cập trái phép vào tài khoản người dùng (facebook ước tính ít nhất 50 triệu tài khoản bị ảnh hưởng). Tháng 12-2018, facebook tiếp tục xác nhận một lỗi nghiêm trọng làm cho hình ảnh riêng tư và thậm chí những hình ảnh mà người dùng chưa từng đăng tải lên facebook bị rò rỉ (khoảng 6,8 triệu người dùng facebook bị ảnh hưởng).

Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối mọi người, mọi vùng miền, mọi quốc gia xích lại gần nhau hơn. Chỉ cần một cú “nhấp chuột”, thậm chí chỉ cần “một cú ấn của ngón tay cái” trên smartphone cũng dễ dàng chia sẻ dữ liệu cho hàng triệu người cùng khai thác. Chính vì thế, vấn đề bảo mật thông tin là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, người dùng cần cảnh giác hơn với các dịch vụ wifi miễn phí đòi hỏi cung cấp thông tin cá nhân (nhà hàng, quán ăn, điểm chia sẻ wifi công cộng), bởi nguy cơ ảnh hưởng của nó có thể xảy ra.

Theo PGS.TS Hoàng Phước Thuận (Bộ Công an), dự báo sau năm 2020, nhân loại sẽ có: 80% dân số có “dấu vết số” trên internet, 10% dân số mặc quần áo có kết nối internet, 90% dân số sử dụng internet thường xuyên… Thế giới sẽ phát minh điện thoại cấy ghép, ôtô đầu tiên được chế tạo từ công nghệ in 3D, 10% ôtô không người lái xuất hiện ở Mỹ, 30% kiểm toán doanh nghiệp do trí tuệ nhân tạo thực hiện, 5% sản phẩm tiêu dùng được sản xuất từ công nghệ in 3D…


HỮU HUYNH