An toàn thông tin trong kỷ nguyên số

09/05/2019 - 08:14

 - An toàn thông tin (ATTT) mạng là vấn đề nóng và đang được quan tâm nhất hiện nay. Ảnh hưởng của các cuộc tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và lợi ích người dân. Đặc biệt, các cuộc tấn công mạng đang ngày càng nguy hiểm, thậm chí thuật ngữ “chiến tranh mạng” được nhắc đến thường xuyên.

Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) Nguyễn Trọng Đường cho biết, năm 2018, VNCERT ghi nhận 9.344 sự cố tấn công mạng, trong đó có 5.018 sự cố tấn công Deface (thay đổi nội dung website), 2.499 sự cố phishing (tấn công lừa đảo), 1.764 sự cố malware (viết tắt của malicious software, là một phần mềm máy tính được thiết kế với mục đích thâm nhập hoặc gây hỏng máy tính). Hiện nay, sự cố mã độc tống tiền ransomware đang trở nên phức tạp. Xu hướng tấn công vào thiết bị như IoT (internet vạn vật) ngày càng nhiều. Nhất là, xu hướng sử dụng mạng xã hội để phát tán mã độc, lừa đảo trúng thưởng, mạo danh, đánh cắp thông tin gia tăng đáng quan ngại. Đã xuất hiện nhiều nhóm tội phạm trong nước sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền của nhiều người dùng qua mạng Internet và mạng di động, mà điển hình là một số vụ được phát hiện, xử lý vừa qua.

Để tăng cường đảm bảo ATTT mạng, Đảng và nhà nước đã ban hành Luật ATTT mạng và Luật An ninh mạng, Chính phủ đã và đang ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện; Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn các nghị định, nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo ATTT mạng. Đặc biệt, nước ta đang đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số.

An Giang thực hiện thuê dịch vụ hệ thống điều khiển trung tâm duy trì 11 điểm cầu hội nghị trực tuyến tại 11 huyện, thị xã, thành phố và triển khai đến cấp xã ở một số huyện: Châu Thành, Chợ Mới, An Phú, Tịnh Biên…

Ở An Giang, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách ATTT của Đảng và nhà nước nhằm quản lý hiệu quả công tác ATTT. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Hải cho biết, hệ thống thông tin của tỉnh được đầu tư và trang bị hệ thống tường lửa (firewall) cứng để phát hiện và chống xâm nhập (IPS), có phân vùng đệm an toàn mạng (DMZ), hệ thống chống thư rác (spam) và trang bị phần mềm phát hiện mã độc gây hại cho máy tính (virus). Tăng cường đầu tư bổ sung trang thiết bị bảo mật tại trung tâm dữ liệu, nhằm tăng cường bảo mật hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh và các hệ thống thông tin quan trọng khác. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện đều trang bị các tường lửa.

Cùng với đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng (cấp II) của các cơ quan Đảng, nhà nước đã triển khai tại 20 sở, ban, ngành và 11 UBND huyện, thị xã, thành phố; kết nối 3 pha đến tất cả UBND các xã, phường, thị trấn. Đưa vào sử dụng internet trên hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, nhà nước. Mạng nội bộ (LAN) đã được triển khai ở tất cả các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã. Đến nay, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức trong tỉnh đạt trên 95%, các xã đã kết nối internet băng thông rộng…

Tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tích hợp ứng dụng zalo vào Cổng dịch vụ công phụ vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3, 4 thống nhất từ cấp tỉnh đến xã lên Cổng dịch vụ công (https://dichvucong.angiang.gov.vn), phối hợp Ngân hàng Viettinbank chi nhánh An Giang tích hợp liên thông thu phí, lệ phí trực tuyến các dịch vụ công cần thu phí, lệ phí. Xây dựng và vận hành trục kết nối liên thông của tỉnh để liên thông với các phần mềm chuyên ngành, như: đăng ký kinh doanh, phần mềm đất đai 1 cấp… Các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cấp huyện, xã và Trung tâm hành chính công của tỉnh đang sử dụng Cổng dịch vụ công để tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, thống nhất tại địa chỉ https://dichvucong.angiang.gov.vn. Đồng thời, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ hệ thống camera giám sát tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính ở 156 xã, phường, thị trấn; 11 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm hành chính công của tỉnh, giai đoạn 2019-2023.

An Giang triển khai chữ ký số đến tất cả các cơ quan nhà nước, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi trong phát hành và tiếp nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng. Hệ thống thư điện tử tỉnh được triển khai rộng khắp, cấp gần 14.000 hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc trao đổi thông tin công vụ

Bài, ảnh: HỮU HUYNH