Ấn tượng Thủy Đài sơn

22/06/2018 - 08:59

 - Là 1 trong 7 ngọn núi huyền diệu, Thủy Đài sơn (núi Nước) cuốn hút du khách bởi khung cảnh thơ mộng của vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Có dịp đặt chân đến nơi này, du khách sẽ cảm nhận sự khác biệt so với phần còn lại của vùng Bảy Núi.

A A

Nói đến Bảy Núi, người ta dễ dàng liên tưởng đến những ngọn núi cao chót vót, hùng vĩ cùng đất trời. Tuy nhiên, núi Nước lại không mang đến cảm giác đó. Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi phải mất đến… 5 phút đi bộ để lên đến đỉnh Thủy Đài sơn. “Núi Nước chỉ cao khoảng 50m, nhưng lại có những câu chuyện, huyền thoại linh thiêng nên được đông đảo du khách đến cúng viếng thường xuyên. Đức Bổn sư Ngô Lợi, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã xác định đây là núi thiêng và dựng ngôi Linh Bửu tự vào khoảng năm 1884 để truyền đạo. Trải qua hàng trăm năm, ngọn núi này luôn được người dân địa phương và du khách gần xa đến hành hương, chiêm bái”- Phó Trưởng ban Đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Ngô Văn Thiền cho biết.

Khi tìm đến núi Nước, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không khí thanh bình, trang nghiêm của một ngọn núi thiêng. “Núi có tên Thủy Đài sơn là vì nằm ở vị trí khá thấp và giáp mí với đồng bằng nên những tháng nước lũ về, núi Nước trông như một cái đài hùng vĩ giữa mênh mông sóng nước. Đó là cách giải thích của các cụ ngày xưa. Ngoài sự linh thiêng, mầu nhiệm, núi Nước còn sở hữu vẻ đẹp riêng, cuốn hút du khách gần xa” - ông Ngô Văn Thiền giải thích.

Ấn tượng Thủy Đài sơn

Ngôi Linh Bửu tự tựa lưng vào núi Nước

Thực tế, khi lên đến đỉnh của Thủy Đài sơn, chúng tôi mới cảm nhận đầy đủ sự nên thơ mà ông Thiền đã nói. Khu vực cao nhất của núi gọi là sân tiên với những tảng đá lớn, tương đối bằng phẳng. Gió mát rì rào nhẹ đưa tâm hồn du khách vào những khoảng không tĩnh lặng. Đưa mắt ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh tươi, hít thở bầu không khí quang đãng của đất trời làm cho lòng người thư thái. Dù lên đỉnh núi vào buổi trưa nhưng không khí ở sân tiên khá dễ chịu. Với rất nhiều tảng đá lớn xếp chồng vào nhau, núi Nước tạo cho du khách cảm giác choáng ngợp đúng cái “chất núi” chứ không chỉ theo tên gọi.

Nép mình dưới bóng cây da già là bàn thờ “mộ tiên”. Khi chúng tôi thắc mắc về tên gọi “mộ tiên”, ông Lê Văn Đèo (người trông coi Linh Bửu tự) giải thích: “Đó là huyền thoại dân gian. Thực tế “mộ tiên” là một… núm đá nhỏ cỡ 2 bàn tay có hình giống ngôi mộ. Tuy nhiên, nó nằm trên đỉnh của một tảng đá nên người dân truyền tai nhau và lập bàn thờ cúng. Khách hành hương đến núi Nước khá đông, từ vài chục đến vài trăm người/ngày, đặc biệt là trong lễ vía Đức Bổn sư, tín đồ đến Linh Bửu tự rồi lên núi cúng viếng khoảng 5.000-6.000 người”. Ông Nguyễn Văn Bạc, thành viên Ban Giáo lý Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho biết: “Có một giai thoại vui về núi Nước: thuở xưa, có một ông khổng lồ gánh đá tạo sơn để hình thành vùng Bảy Núi. Khi đến khu vực núi Nước thì đứt quang gánh, số đá rơi xuống tạo thành ngọn núi thiêng ngày nay. Dù quá trình hình thành ra sao nhưng núi Nước vẫn chiếm một vị trí trang trọng trong lòng tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa”.

Ấn tượng Thủy Đài sơn

Khu vực sân tiên của núi Nước

Theo dòng lịch sử, khi Đức Bổn sư Ngô Lợi dẫn dắt tín đồ đến lập thôn, định làng ở vùng quanh chân núi Tượng cho thấy đây là nơi “đất lành chim đậu”. Ngài đã nhìn ra núi Nước là ngọn núi linh thiêng nên dựng ngôi chùa làm nơi truyền đạo. Vì vậy, Thủy Đài sơn là một trong “bảy núi”, góp phần tạo nên sự huyền diệu của vùng đất anh hùng. Phó Trưởng ban Đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa Nguyễn Hữu Triết khẳng định: “Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa vốn đã định cư xung quanh núi Tượng (Liên Hoa sơn), núi Dài (Ngọa Long sơn), núi Nước từ lâu và sẽ góp bàn tay xây dựng vùng đất này. Chúng tôi sẽ giữ gìn, tôn tạo những di sản về tinh thần, giáo lý cũng như các công trình tôn giáo tiêu biểu để lớp con cháu đời sau tiếp nối truyền thống anh hùng của cha ông, trong đó có ngọn Thủy Đài sơn nên thơ, huyền diệu này”.

THANH TIẾN