Anh sẵn sàng rời EU mà không cần thỏa thuận

21/09/2018 - 14:25

Đây là tuyên bố của Thủ tướng Anh Theresa May nếu không thể đạt được một thỏa thuận Brexit "chấp nhận được" với EU.

Ngày 20-9, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, thời gian cho việc đạt được một thỏa thuận Brexit với Anh đang cạn dần, trong khi còn nhiều bất đồng mà hai bên chưa thể giải quyết.

anh san sang roi eu ma khong can thoa thuan hinh 1

Anh sẵn sàng rời EU mà không cần thỏa thuận. Ảnh: BBC

Thực tế này cho thấy, việc Anh và EU đạt một thỏa thuận Brexit tại Hội nghị Thượng đỉnh EU tổ chức vào tháng 10 để cho phép Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu kịp phê chuẩn thỏa thuận này trước thời điểm chính thức “ly hôn” vào tháng 3/2019, ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Trong một tuyên bố ở Salzburg, Áo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donal Tusk nói rằng, dù các đề xuất mà Thủ tướng Anh Theresa May cùng nội các của bà đưa ra là “tiến triển tích cực”, nhưng các vấn đề xung quanh đường biên giới của Ireland và vấn đề hợp tác kinh tế giữa Anh và EU thời kỳ hậu Brexit cần phải được “thảo luận lại và đàm phán sâu hơn”. Ông Tusk nhấn mạnh, có một số vấn đề EU không sẵn sàng thỏa hiệp như 4 nguyên tắc tự do căn bản của thị trường chung châu Âu hay vấn đề biên giới Ireland. Phía EU cần những đảm bảo chính xác, rõ ràng và mạnh mẽ từ Anh và bày tỏ hy vọng hai bên có thể gặp nhau trong tư thế sẵn sàng hơn tại cuộc gặp thượng đỉnh EU vào ngày 18-10 tới.

"Ireland vẫn là ưu tiên của chúng tôi. Mặc dù bầu không khí ngày hôm nay đã tốt hơn so với 2 hay 3 tuần trước, nhưng câu hỏi về Ireland vẫn cần sự thỏa hiệp của các bên. Chúng tôi cần một sự đảm bảo rõ ràng và chính xác”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donal Tusk nhấn mạnh.

Cùng ngày 20-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định các đề xuất của Thủ tướng Theresa May về quan hệ kinh tế Anh - EU hậu Brexit là "không chấp nhận được" do thiếu sự tôn trọng đối với thị trường chung EU. Ông cho biết lãnh đạo 27 nước EU kỳ vọng Anh sẽ đưa ra những đề xuất khác vào tháng 10.

“Chắc chắn, chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa thuận sẽ làm tổn hại đến Liên minh châu Âu. Tôi tôn trọng chủ quyền của người Anh nhưng tôi cũng tôn trọng chủ quyền của 27 thành viên khác. Bảo vệ lợi ích của nước Pháp và các nước thành viên khác thì không nên có một thỏa thuận mù quáng”, Tổng thống Macron nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May cho biết, bà sẽ sớm công bố các ý tưởng mới giải quyết vấn đề thương mại tại khu vực biên giới Bắc Ireland, sau khi các lãnh đạo EU bác kế hoạch của chính phủ Anh. London cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng một chiến lược Brexit đầy đủ để kịp đưa ra tại hội nghị ngày 18-10.

“Tôi đang đàm phán vì lợi ích của người dân Anh, đàm phán vì những gì người Anh đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân, nhưng tôi cũng nói rõ rằng, chúng tôi  sẽ giải quyết đối với các cam kết mà chúng tôi đã thực hiện liên quan đến Bắc Ireland. Chúng tôi cần đảm bảo rằng không có biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland", nữ Thủ tướng Anh khẳng định.

Thủ tướng Theresa May cũng tiếp tục cho rằng nếu không thể đạt được một thỏa thuận Brexit "chấp nhận được" đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận. Dù vậy, Thủ tướng Anh vẫn bày tỏ tin tưởng vào khả năng hai bên đạt được nhất trí, xuất phát từ mong muốn của cả EU và Anh.

Hiện cả Anh và EU đều hy vọng đạt một thỏa thuận Brexit tại Hội nghị thượng đỉnh EU để cho phép Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu kịp phê chuẩn thỏa thuận này trước thời điểm chính thức “ly hôn” vào tháng 3/2019. Có lẽ vấn đề khó khăn và gây tranh cãi nhất do Brexit mang lại đó là liên quan đến đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Mỗi bên phải tìm cách để tránh sự cần thiết phải xây dựng lại đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland, sẽ rời khỏi EU, cùng với phần còn lại của Vương quốc Anh và Cộng hoà Ireland sẽ vẫn thuộc EU. Việc loại bỏ đường biên giới cứng đã từng là một phần quan trọng của Hiệp định Thứ Sáu tốt lành (Good Friday) năm 1998, mang lại hòa bình cho Bắc Ireland sau nhiều năm xung đột./.

Theo ANH TUẤN (VOV)