Áp lực tăng dân số cơ học trong năm học mới tại TP.HCM

20/08/2019 - 09:04

Áp lực của việc tăng dân số cơ học khiến ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất để HS phát triển toàn diện là vấn đề được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra vào năm học mới.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM trong ngày tựu trường Đào Ngọc Thạch

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2019 - 2020, dự kiến TP tăng khoảng 75.434 HS. Trong đó, mầm non tăng 7.293, tiểu học tăng 21.711, THCS tăng 26.435 và THPT tăng 19.995. Để chuẩn bị cho năm học mới, TP sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, đánh giá số HS tăng nhiều ở bậc tiểu học và THCS đồng thời tập trung tại một số quận như 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho hay, những năm gần đây, tính trung bình, mỗi năm TP xây thêm gần 1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, con số trên không giải quyết được vấn đề với số HS tăng cao “chóng mặt”. Và áp lực từ việc mỗi năm có hàng trăm ngàn HS không có hộ khẩu khiến sĩ số lớp học không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra, tỷ lệ HS tham gia học 2 buổi/ngày - điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, cũng phải giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp lại, gây khó khăn cho các trường.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chào đón năm học mới Ngọc Dương

Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho hay năm học mới TP triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, khắc phục những hạn chế mà xã hội quan tâm. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, tăng cường an ninh, an toàn trường học. Chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS.

Theo Thanh Niên