Asian Cup 2019: Liban - Triều Tiên với áp lực ghi bàn

16/01/2019 - 19:59

Liban sẽ phải thắng, thậm chí thắng cách biệt Triều Tiên, nhưng đó không phải một nhiệm vụ dễ dàng trong trận đấu ở bảng E - Asian Cup 2019 diễn ra vào 23h ngày 17-1 (giờ Việt Nam). Ở phần bên kia sân, đội bóng của HLV Kim Yong-jun hẳn cũng không muốn rời giải đấu này trong tủi hổ.

Với việc đội thứ ba bảng B là Palestine chỉ có được 2 điểm, một chiến thắng tối thiểu ở Sharjah có lẽ cũng đủ để Liban đi tiếp. Tuy nhiên, muốn thắng thì phải ghi bàn, nhưng Liban đã trải qua 7 trận "tịt ngòi" liên tiếp.

Cơn đau đầu của HLV Miodrag Radulovic

Lần gần nhất Liban ghi bàn thắng là ngày 6-9 năm ngoái trong trận giao hữu với Jordan (1-0), nhờ pha lập công duy nhất của tiền đạo gốc Đức Omar Bugiel. Cầu thủ này đã dính chấn thương và sau đó không thể tham dự Asian Cup 2019.

Triều Tiên (trái) gây thất vọng tại Asian Cup 2019. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN

Kể từ sau chiến thắng này, các học trò của HLV Miodrag Radulovic "im tiếng đến kỳ lạ". Họ trải qua 7 trận đấu liên tiếp không ghi bàn, và dĩ nhiên, cũng không thể giành chiến thắng (2 hòa, 7 thua). Khả năng dứt điểm là một điểm yếu lớn của đội bóng này. Ở trận thua Saudi Arabia vừa qua, Liban không có nổi một cú sút trúng đích nào, so với 7 cú sút của đối phương. Ở trận thua Qatar 0-2, tỷ lệ này cũng chẳng khá khẩm hơn (1-6).

Đội trưởng Hassan Maatouk chắc chắn được kỳ vọng nhất trong việc ghi bàn, bởi anh đang là chân sút số một của đội tuyển Liban với 19 bàn. Thậm chí, nếu ghi 1 bàn nữa, Maatouk sẽ cân bằng kỷ lục của Roda Antar, chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Liban. Đối mặt với hàng thủ đã để lọt lưới 10 bàn sau hai trận như Triều Tiên, cơ hội cho Maatouk và các đồng đội dĩ nhiên là rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ phải vượt qua áp lực.

Triều Tiên: Nỗ lực thôi có đủ?

HLV Kim Yong-jun, một thành viên của đội tuyển Triều Tiên dự World Cup 2010, chưa biết điều gì sẽ chờ ông khi trở về Bình Nhưỡng, nhưng chắc chắn sẽ không có cờ hoa, nếu đội bóng của ông tiếp tục bại trận đêm 17-1.

Triều Tiên đã thua "sấp mặt" 0-4 trước Saudi Arabia, và sau đó thảm bại tron trận gặp Qatar với tỷ số 0-6. Cộng thêm trận giao hữu khởi động thua Bahrain 0-4, Chollima (Thiên lý mã - biệt danh của Triều Tiên) đã thủng lưới tới 14 bàn, và không ghi nổi một bàn thắng.

Kết quả chấp nhận được nhất của Triều Tiên trong vòng 1 tháng qua, có lẽ là khi họ cầm chân đội tuyển Việt Nam 1-1 trên sân Mỹ Đình. Nhưng ai cũng thấy rõ đó là trận đấu mà HLV Park Hang-seo ưu tiên thử nghiệm hơn là kết quả.

Trong đội hình Triều Tiên hiện tại, tài năng trẻ Han Kwang Song thuộc biên chế Cagliari nhưng khoác áo Perugia theo dạng cho mượn có lẽ là cái tên nổi tiếng nhất. Nhưng xét về kinh nghiệm quốc tế thì Jong Il Gwan, người đã hạ gục Bùi Tiến Dũng bằng một cú sút phạt hiểm hóc, mới là cái tên đáng chú ý nhất, dù hiện tại, anh đang…"thất nghiệp".

Dù mới 26 tuổi, nhưng Jong đã là chân sút số một trong lịch sử ĐTQG với 21 bàn thắng sau 62 trận. Ngoài ra, trung phong Pak Kwang-ryong, người đang thi đấu cho St Polten (Áo) cũng rất đáng chú ý khi ghi 13 bàn sau 34 trận khoác áo ĐTQG.

Liban không phải là một đối thủ xa lạ với Triều Tiên bởi hai đội từng gặp nhau hai lần ở vòng loại Asian Cup 2019. Trong trận lượt đi ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2017, Triều Tiên đánh mất 2 điểm đầy tiếc nuối khi để cầu thủ Maatouk gỡ hòa 2-2 ở phút bù giờ thứ 4. Còn trong chuyến hành quân đến Beirut một tháng sau đó, Triều Tiên thảm bại đến 0-5. Vậy kịch bản nào sẽ diễn ra trong lần chạm trán này?

Đội hình dự kiến:

Lebanon: Mehdi Kahil - Kassem El Zein, El Jounadi, Joan Oumari, Felix Melki, Ali Hamam - Mohamad Haidar, Robert Melki, Haytham Faour - Maatouk, Alhelwe

Triều Tiên: Ri Myong-Guk - Kim Song-Gi, Sim Hyon-Jin, Kim Chol-Bom, Rim Kwang-Hyok - Kim Kyong-Hun, Ri Il-Jin, Ri Un-Chol - Pak Kwang-Ryong, Jong Il-Gwan, Kim Yong-Il.

Theo Báo Tin Tức