Ba Chúc mạnh mẽ

08/05/2018 - 06:40

 - Những hành động tàn sát man rợ của bọn diệt chủng Polpot 40 năm trước tuy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho Nhân dân Ba Chúc nhưng càng khiến tinh thần của họ mạnh mẽ hơn. Căm thù Polpot, người dân Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) càng đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Dâng hương tưởng nhớ các nạn nhân Ba Chúc

Những ký ức kinh hoàng

40 năm nay, hầu như ngày nào bà Hà Thị Nga (sinh năm 1939, ngụ ấp An Định A, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) cũng sang quét dọn, cầu nguyện tại nhà mồ Ba Chúc - nơi lưu giữ 1.159 bộ hài cốt trong tổng số 3.157 thường dân Ba Chúc bị Polpot sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Ở tuổi gần 80, “má Tư nhà mồ” Hà Thị Nga vẫn là nhân chứng sống, là người cung cấp những hình ảnh bằng ký ức về cuộc thảm sát đẫm máu năm nào. Qua những lời bà kể, người nghe có thể hình dung về nỗi kinh hoàng mà người dân Ba Chúc đã phải hứng chịu, cứ y như được xem những thước phim rành mạch, rõ ràng.

Đối với một người sống sót diệu kỳ như bà Nga, khoảng thời gian 12 ngày đêm của cuộc thảm sát Ba Chúc (từ ngày 18 đến 30-4-1978) có cảm giác như dài vô tận. Điều đó cũng dễ hiểu bởi trong thời gian diễn ra chiến tranh biên giới Tây Nam (1977-1978), địa bàn Ba Chúc (cách biên giới 7km) được xem là trọng điểm đánh phá của Polpot với phương châm “giết sạch, đốt sạch, phá sạch”.

Dòng họ Hà của bà Nga là một trong những gia tộc lớn ở Ba Chúc thời bấy giờ nhưng sau cuộc thảm sát, chỉ còn duy nhất bà Nga sống sót. Đó coi như sự may mắn bởi có những gia tộc chết sạch không còn một ai.

“Vợ, chồng tôi cùng 6 đứa con và hơn 100 người trong gia tộc họ Hà đã bị bọn Polpot lùa hết ra cánh đồng xã Lạc Quới. Chúng bắn, giết từng tốp người một. Từng đứa con tôi bị đập đầu dã man. Bản thân tôi bị trúng đạn xuyên qua cổ, bị đập đầu bất tỉnh.

Khi tỉnh lại, thấy xung quanh la liệt xác người, có cả thi thể chồng, con tôi nhưng không còn đủ sức làm gì cả. Khi tôi gắng gượng đi ra bờ đê lại gặp 2 tên Polpot, chúng chĩa súng bắn thì tôi nhảy luôn xuống kênh. Chúng cho rằng gặp ma nên bỏ đi, tôi lần mò về núi Tượng.

Đang nấp trên núi thì gặp hơn 100 người kéo nhau chạy trốn, tôi chạy theo họ. Tuy nhiên, ra đến cánh đồng lại gặp Polpot tàn sát, tôi lại may mắn thoát chết khi bị nhiều thi thể đè lên. Sau 12 ngày đêm trốn chạy, tôi được bộ đội giải cứu và đưa đi chữa trị vết thương” - bà Nga kể lại.

Tới bây giờ, “má Tư nhà mồ” vẫn nghĩ sự sống sót kỳ diệu của mình là do dòng tộc phù hộ. Họ muốn bà sống để kể lại tội ác man rợ của bọn diệt chủng Polpot mà bà đã tận mắt chứng kiến. Họ muốn bà sống để chăm sóc nhà mồ, hàng ngày cầu nguyện cho vong hồn 3.157 người đã khuất. Do vậy, suốt 40 năm qua, bà vẫn gắn bó với nhà mồ Ba Chúc, xem tất cả những người đã mất như người thân của mình…

Chung sức dựng xây

Năm 1979, chỉ 1 năm sau cuộc thảm sát, dù Ba Chúc vẫn còn là đống hoang tàn, đổ nát nhưng chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang đã tranh thủ xây dựng khu nhà mồ Ba Chúc để lưu giữ chứng tích tội ác dã man của bọn diệt chủng Polpot, từng được dung dưỡng bởi những thế lực âm mưu bành trướng. Khu nhà mồ nằm trong khuôn viên rộng trên 3.000m2, cạnh bên chùa Tam Bửu và Phi Lai - những nơi còn lưu dấu cuộc thảm sát kinh hoàng.

Hàng năm, lễ giỗ tập thể nạn nhân Ba Chúc được tổ chức vào ngày 16-3 (âm lịch). Đây được xem là lễ giỗ tập thể lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng ngàn du khách, tín đồ Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và thân nhân các nạn nhân tham gia cúng viếng, cầu nguyện.

“3.157 người bị sát hại, 2.840 căn nhà bị phá hủy, 24 chùa, am cùng nhiều công trình bị tàn phá 100%, trẻ em không được đến trường… là những hậu quả của cuộc thảm sát 40 năm trước. Dù khép lại quá khứ để dựng xây tương lai nhưng chúng ta không bao giờ quên tội ác của bọn diệt chủng Polpot, được lưu tại nhà mồ Ba Chúc này” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Men Sây Ma, Trưởng ban Tổ chức lễ giỗ những nạn nhân Ba Chúc bị Polpot sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam lần thứ 40 nhấn mạnh.

Ông Men Sây Ma cho biết, sau những nỗ lực khôi phục sản xuất, đoàn kết vượt qua khó khăn, người dân cùng chính quyền đã chung tay xây dựng Ba Chúc ngày càng phát triển. Tháng 1-2003, Ba Chúc trở thành 1 trong 2 thị trấn của huyện Tri Tôn, kinh tế - xã hội tăng trưởng vượt bậc.

10 năm sau (2013), khu di tích lịch sử nhà mồ Ba Chúc được khởi công xây dựng lại với quy mô 5ha, kinh phí gần 30 tỷ đồng. Các hạng mục trong khu di tích không chỉ giúp lưu giữ lại chứng tích tội ác chiến tranh, nơi thờ cúng, tưởng niệm 3.157 nạn nhân xấu số mà còn phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu về Ba Chúc.

“Năm 2017, khu di tích quốc gia nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu - Phi Lai thu hút hơn 530.000 lượt khách đến tham quan, cúng viếng. Đây là đóng góp quan trọng cho du lịch Tri Tôn, nơi chiếm đến 4/7 ngọn núi của dãy Thất Sơn huyền bí. Ngoài ra, còn có những địa danh nổi tiếng khác như: núi Nam Quy, đồi Tà Pạ, chùa Vân Long, Bồng Lai, những cảnh đẹp tự nhiên từ núi non, hồ, suối… ” - ông Men Sây Ma thông tin.

Tập trung thu hút du lịch là một trong những hướng đi nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đất Ba Chúc phát triển, cũng là nhắc nhở, giáo dục thế hệ hôm nay về tội ác diệt chủng, đề cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn độc ác của các thế lực tham vọng bành trướng, gieo rắc chiến tranh.

Bài, ảnh: ANH TUẤN