Bạc Liêu phát huy tiềm năng giao thông thủy

14/08/2018 - 14:03

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có hơn 600km đường thủy nội tỉnh, trong đó có gần 500km với 20 tuyến đường chính kết nối tất cả các sông ngòi, kênh, rạch…, đây là điều kiện để Bạc Liêu kết nối các địa phương trong tỉnh và với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển kinh tế.

A A

Hệ thống sông, kênh, rạch ở Bạc Liêu thuận tiện cho phát triển giao thông thủy (Nguồn: Báo Bạc Liêu)

Hệ thống sông ngòi, kênh rạch của tỉnh Bạc Liêu không chỉ kết nối trong tỉnh mà còn được kết nối ra biển Đông bằng cửa biển Gành Hào, Nhà Mát và Cái Cùng tạo ra lợi thế lớn cho tỉnh này phát triển mạnh hệ thống vận tải bằng cả đường sông và đường biển. Từ đó cho thấy, giao thông đường thủy của Bạc Liêu có lợi thế hơn nhiều địa phương trong khu vực.

Bạc Liêu cũng còn có sáu tuyến đường thủy cấp quốc gia, đồng thời khu vực phía Nam và phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu đều có năm tuyến kênh chính và hàng trăm tuyến kênh bổ trợ, kết nối trục dọc, trục ngang, rất thuận lợi cho phát triển giao thông vận tải, trong khi vận tải là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt, đóng vai trò quan trọng đối với mọi ngành kinh tế, bởi dù không tạo ra sản phẩm, nhưng giao thông vận tải đã làm tăng giá trị sản phẩm, kích thích hoạt động sản xuất, tạo sự giao lưu sản phẩm, mở rộng thị trường giữa các vùng, miền.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Bạc Liêu còn có hai tuyến kênh nằm trong tuyến chủ lực của miền Tây Nam bộ, kết nối vận tải ra sông Hậu đi Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh và Vũng Tàu để xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế. Đồng thời, tuyến đường thủy Quản Lộ - Phụng Hiệp là một trong ba nhánh của tuyến vận tải thủy quốc gia. Vì vậy, tuyến đường này có tác dụng phá thế độc đạo và gia tăng năng lực vận tải cho vùng bán đảo Cà Mau nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Tuyến đường thủy chạy xuyên suốt từ Đông sang Tây với tổng chiều dài 237km, bề rộng phổ biến từ 30m đến 35m, độ sâu phổ biến từ 2,5m đến 3m, có vai trò vận tải liên tỉnh và khu vực phía Nam trong vùng Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Thứ hai là tuyến Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau, có tổng chiều dài 167km. Bề rộng phổ biến của tuyến đường quốc gia này từ 35m đến 40m, độ sâu phổ biến từ 2,5m đến 3m. Hàng năm tỷ trọng vận tải đi qua hai tuyến đường này đạt gần 6 triệu tấn. Tàu có tải trọng tối đa đến 500 tấn lưu thông được qua hai tuyến này.

Một lợi thế khác về đường thủy nội địa là Bạc Liêu còn có sáu tuyến do Trung ương quản lý đi qua địa bàn với tổng chiều dài gần 200km và hệ thống sông, kênh dày đặc như sông Gành Hào, kênh Ngã Ba Đình, kênh Hộ Phòng - Gành Hào và kênh Tắc Vân.   

Theo đánh giá của ngành chức năng, vận tải thủy ở Bạc Liêu những năm qua phát triển khá đồng đều, hiện vận tải thủy chiếm 30% năng lực vận tải liên tỉnh ở địa phương này. Còn với các mặt hàng xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và lúa gạo, vận tải thủy ở Bạc Liêu chiếm đến 90%.

Để tăng khả năng lưu thông và nâng cấp hệ thống giao thông thủy, từ năm 2014, hệ thống kênh xáng Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau đã được nạo vét nâng cấp. Cũng từ năm 2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ban hành quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Trong đó, dành trên 412 tỷ đồng đầu tư cho đường thủy.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh nông nghiệp, mạng lưới giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được quy hoạch thành hai vùng khai thác. Từ quy hoạch này, các trục đường thủy quốc gia quan trọng như tuyến Vàm Lẽo - Bạc Liêu - Cà Mau, Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Gành Hào, kênh Gành Hào - Hộ Phòng cùng các tuyến kênh ngang xương cá của tỉnh như Giá Rai - Phó Sinh, Hộ Phòng - Chủ Chí… sẽ phát huy tối đa năng lực vận tải, góp phần quan trọng cho Bạc Liêu lưu thông vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy đi các tỉnh và TP.Hồ Chí Minh.

Đồng thời, Bạc Liêu đã đưa ra sơ đồ các tuyến - luồng vận tải đường biển, đường sông nội địa, hệ thống cảng biển, cảng sông và bến tàu khách liên hoàn để cùng với mạng lưới giao thông đường bộ phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách một cách an toàn, nhanh chóng và thuận tiện. Bạc Liêu đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 tỉnh sẽ có 3 cảng biển được đầu tư xây dựng. Đó là các cảng Gành Hào, Nhà Mát và cảng Cái Cùng.

Ngoài ra, trong hệ thống cảng sông, tới đây, Bạc Liêu cũng sẽ xây dựng bảy cảng - bến với tổng diện tích 2,55ha; huyện Vĩnh Lợi có ba cảng - bến; huyện Hòa Bình có hai bến tàu; thị xã Giá Rai có bốn bến tàu; huyện Đông Hải có ba cảng - bến; huyện Phước Long có năm bến tàu và huyện Hồng Dân có ba bến tàu. Tất cả các tuyến đường, bến cảng được tỉnh Bạc Liêu đưa vào kế hoạch đầu tư đều nhằm mục đích nối liền đường sông với các cảng sông, biển, đường bộ, nối kết các địa phương trong vùng nhằm kích thích hoạt động sản xuất, thúc đẩy kinh tế Bạc Liêu hội nhập cùng các tỉnh, thành trong khu vực.

Theo Đảng Cộng Sản Việt Nam