Bài học cuộc sống từ khoa học tự nhiên

01/08/2019 - 07:33

 - Đó là một trong những hoạt động sinh hoạt hè được Trường THPT Nguyễn Công Trứ (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) tổ chức và được đông đảo học sinh hưởng ứng. Thông qua những hình ảnh tự nhiên gần gũi, những bài học Vật lý, Toán học thân thuộc với học sinh THCS, THPT, các giảng viên bộ môn Giáo dục công dân (từ TP. Hồ Chí Minh) đã chuyển tải thành những bài học đạo đức, kinh nghiệm sống bổ ích cho các bạn trẻ.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ Nguyễn Phước Hòa cho biết: “Nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em học sinh và bồi dưỡng những bài học về đạo đức, kinh nghiệm sống, nhà trường phối hợp các giảng viên là các chuyên gia tâm lý đến từ TP. Hồ Chí Minh tổ chức buổi giao lưu chia sẻ cho 800 em học sinh với chuyên đề “Sống yêu thương và chia sẻ”. Hiệu quả từ chương trình được thể hiện rõ qua thái độ tiếp nhận của các em, ban đầu các em còn chưa lưu tâm, chỉ thích nói chuyện riêng nhưng qua những câu chuyện gần gũi, thiết thực của lứa tuổi học đường, về tình bạn, tình thầy trò, tình cảm gia đình, tình yêu thương của cha mẹ nhiều em đã xúc động và có sự lắng lòng cảm nhận”. Em Nguyễn Hoàng Khang (học sinh lớp 10B6, Trường THPT Nguyễn Công Trứ) chia sẻ: “Nào giờ chỉ đến lớp nghe thầy cô giảng dạy kiến thức về các môn học, em chưa bao giờ được nghe từ những bài học gần gũi hàng ngày mà có thể chuyển thành những triết lý sống hay như vậy”.

Các em học sinh lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia

Theo TS Nguyễn Đông Hải (chuyên về bộ môn Vật lý, đang giảng dạy tại một trường đại học ở Hoa Kỳ), cách giáo dục học sinh ngày nay nên linh hoạt, để những kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhẹ nhàng đi vào tâm hồn các em. Qua đó, các em vừa vững vàng kiến thức, vừa học được trọn vẹn giá trị từ những điều giản dị trong cuộc sống để làm hành trang cho các em vững bước vào đời. Chẳng hạn, trong vật lý thả quả bóng trên máng gỗ ngang, bóng sẽ chuyển động ngang, thả quả bóng trên máng gỗ cong thì quả bóng sẽ chạy về chỗ thấp nhất. Bài học về mọi vật luôn chuyển động về trạng thái thấp nhất dạy cho chúng ta biết: người khôn ngoan phải biết đặt mình ở vị trí thấp nhất, biết tôn trọng những người xung quanh, cầu thị để học tập những điều tốt đẹp ở người khác thì bản thân mới trở nên hoàn thiện. Đó cũng là lý do tại sao biển thấp hơn các con sông, là để trăm sông đổ về biển thì biển mới mênh mông, biển mới có giá trị nhất. Còn trong thí nghiệm vật lý về 3 cốc nước, tại sao cùng đổ 1 cốc nước màu xanh dương và cốc nước màu vàng vào 1 cốc nước trong, tại sao ta thu về được cốc nước màu xanh lá cây. Đó chính là bài học về sự linh hoạt, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với môi trường.

TS Nguyễn Đông Hải chỉ ra rằng, các bạn trẻ ngày nay luôn tỏ ra thái độ bất mãn với những hoàn cảnh không như ý, bực bội, oán hận hoàn cảnh hoặc tác nhân gây ra hoàn cảnh không như ý cho mình,các em nên học cách thay đổi bản thân để thích ứng với hoàn cảnh không như ý đó. Còn nhớ 3 năm nước đây, 1 học sinh tại TP. Hồ Chí Minh tự vẫn chỉ vì bản thân chỉ đạt điểm trung bình năm 8,9 điểm, không đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn trường. Giá như em đó nghĩ thoáng hơn, bản thân đã cố gắng hết sức nhưng còn thiếu sót, cần phải cố gắng hơn cho năm học sau, hay phải hiểu sâu xa hơn mục đích của việc học không phải để hơn thua bạn bè, mà để tích lũy kiến thức mai sau giúp đời, đến trường hàng ngày chỉ cần đặt mục tiêu là ta phải giỏi hơn ta mỗi ngày là được.

Còn thầy Trần Tuấn Anh (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đã nhắc nhở các em về ơn nghĩa sinh thành, sự hy sinh thầm lặng của các bậc cha mẹ để các em có cơm ăn áo mặc đủ đầy, được đến trường để thực hiện những ước mơ bay cao, bay xa. Do vậy, hãy biết nói lời cảm ơn cha mẹ, biết xin lỗi khi lầm lỗi, biết thấu hiểu trước sự uốn nắn, giáo dục của cha mẹ. Tất cả chỉ mong muốn các em không sa đà vào những điều không bổ ích, đồng thời có được những định hướng, lý tưởng sống đúng đắn.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG