Bạn có hay bị thức giấc giữa đêm không? Hãy thử những điều sau

26/09/2019 - 14:09

Làm gì khi bạn thức dậy vào giữa đêm?

Ảnh: Shutterstock

Thức giấc giữa đêm khá phổ biến. Một báo cáo cho rằng có khoảng 35% dân số mắc chứng thức giấc giữa đêm. Thức giấc giữa đêm làm bạn cảm thấy rất uể oải, thiếu sức sống vào ngày hôm sau, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến chu kì giấc ngủ của bạn, khiến bạn không ngủ đủ giấc cần thiết.

Tất nhiên, gọi cho một người bạn có thể không phải là câu trả lời hữu ích nhất để giúp bạn trở lại giấc ngủ. Bởi, trò chuyện vào giữa đêm có thể sẽ làm bạn phấn khích, thay vì thư giãn để đưa bạn trở lại giấc ngủ.

Bạn lật người và thử tư thế ngủ mới, lo lắng về một điều gì đó hay suy nghĩ về công việc phải chuẩn bị ngày mai. Bộ não của bạn đang trong tình trạng quá căng thẳng để có thể chìm vào giấc ngủ.

Vậy, làm thế nào để thư giãn và trở lại giấc ngủ?

Nếu bạn không mắc phải một số chứng bệnh dẫn đến mất ngủ như viêm khớp, hen suyễn, ngưng thở khi ngủ, đau mạn tính, các vấn đề về nội tiết hoặc đường tiêu hóa, thì hãy thử những điều sau, theo Healthy Women.

Thử ngủ trong một căn phòng khác

Nhiều chuyên gia đề nghị bạn nên thử ngủ trong một căn phòng khác. Nhưng điều đó không hiệu quả với tất cả mọi người. Khi thức dậy, bạn phải bật đèn và di chuyển xung quanh. Bộ não của bạn sẽ phản ứng với bóng đèn đang sáng và cho rằng đã đến lúc phải thức dậy, nhịp tim của bạn sẽ tăng mạnh - tất cả đều trái ngược với trạng thái khi ngủ.

Thay vào đó, hãy nằm trên giường và làm những điều sau đây để tiếp tục giấc ngủ.

Nếu có ánh sáng chiếu vào phòng, hãy che lại. Khi bạn đang cố gắng ngủ, một chút ánh sáng bên ngoài cũng có thể là kẻ phá hoại giấc ngủ. Hãy đảm bảo rèm cửa sổ của bạn được khép kỹ và mọi nguồn đèn như đèn từ điện thoại, wifi hay đồng hồ đều ở góc khuất.

Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng tấm bịt mắt để có giấc ngủ ngon hơn.

Thả lỏng tâm trí của bạn

Hãy thử hít thở sâu hoặc thiền, điều này có thể giúp bạn thư giãn. Bạn cũng có thể để một tờ ghi chú và bút tại đầu giường sau đó viết ra bất kỳ suy nghĩ ngẫu nhiên hoặc những việc bạn phải làm vào ngày hôm sau.

Việc làm này giúp đánh lạc hướng tâm trí của bạn khỏi việc suy nghĩ miên man và giúp bộ não của bạn yên tâm và thoải mái hơn.

Giữ cho phòng ngủ luôn mát mẻ

Đôi khi một căn phòng quá ấm có thể khiến bạn thức dậy. Các chuyên gia cho biết, nhiệt độ ngủ tối ưu là khoảng 18 độ C.

Chặn tiếng ồn

Đôi khi một giấc ngủ ngon không nhất thiết phải ở trong điều kiện hoàn toàn yên tĩnh, nhưng âm thanh xung quanh cần phải hơi trầm và đều. Ví dụ như tiếng điều hòa hay tiếng quạt.

Hãy chú ý đến thời gian và thức uống bạn sử dụng trước khi đi ngủ

Bạn không nên uống cà phê sau khoảng 2 giờ chiều, vì nó có thể tác động rất lâu đến bộ não của bạn. Đối với rượu, ban đầu có thể giúp bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ, nhưng nó làm rối loạn chu kì giấc ngủ sâu của bạn - giai đoạn mà cơ thể bạn tự phục hồi và sửa chữa nhiều nhất.

Theo THIÊN LAN (Thanh Niên)