Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang

26/06/2019 - 07:45

 - Ngày 21-6-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1502/QĐ-UBND về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang (gọi tắt là Trung tâm), có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế Quyết định số 411/QĐ-UBND ngày 28-2-2018 của UBND tỉnh.

Quy chế quy định về nguyên tắc, lề lối làm việc, chế độ trách nhiệm của trung tâm và các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại trung tâm. Trung tâm là đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành bố trí công chức, viên chức đến thực hiện việc giải quyết TTHC liên quan đến tổ chức, cá nhân. Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức sở, ban, ngành và trung tâm. Bảo đảm giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá qua các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm và sở, ban, ngành trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân; bảo đảm thực hiện trách nhiệm giải trình thực thi công vụ của từng sở, ban, ngành và của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC vào tất cả các ngày làm việc, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Thời gian giải quyết TTHC thực hiện tại trung tâm là thời gian làm việc do cấp thẩm quyền quy định (không kể ngày nghỉ theo quy định). Thời gian làm việc: các ngày làm việc trong tuần (trừ các ngày nghỉ theo quy định): buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ. Buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ.

Trung tâm tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND cấp tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của UBND cấp huyện được giao tiếp nhận tại trung tâm. Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC thông qua các cách thức theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC: trực tiếp tại trung tâm; thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Trường hợp xảy ra sai sót trong kết quả giải quyết TTHC, nếu lỗi thuộc về cán bộ, công chức, viên chức, sở, ban, ngành thì cán bộ, công chức, viên chức, sở, ban, ngành phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc đính chính sai sót và phải chịu mọi chi phí liên quan đến sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế hoặc đính chính. Trường hợp hồ sơ bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng trong quá trình giải quyết TTHC thì sở, ban, ngành, cán bộ, công chức, viên chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân có hồ sơ, giấy tờ bị mất, bị thất lạc hoặc bị hư hỏng để khắc phục hậu quả; xác định sở, ban, ngành, cán bộ, công chức, viên chức đã làm mất, thất lạc, hư hỏng hồ sơ để quy trách nhiệm chi trả mọi chi phí phát sinh trong việc xin cấp lại hồ sơ, giấy tờ, các trách nhiệm khác có liên quan và xin lỗi tổ chức, cá nhân về sự cố này. Trường hợp làm mất, thất lạc, hư hỏng hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, sở, ban, ngành, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

A.K