Bản quyền World Cup 2018: ‘Hé lộ’ sự tham gia của các tập đoàn lớn

12/06/2018 - 19:35

Trong một thông báo phát đi mới đây của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), tên của các “đại gia” chung sức cùng đơn vị này đã được công bố. Và hết sức ngỡ ngàng, ngoài cái tên đã rò rỉ trước đó là tập đoàn Vingroup với mức tài trợ 5 triệu USD (tương đương hơn 120 tỷ đồng) thì đã lộ diện thêm một "nhân tố bí ẩn" đó là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: ca.sports.yahoo.com)

Thương vụ bản quyền World Cup 2018 đã tốn biết bao giấy mực và là đề tài nóng suốt nhiều ngày khi việc đàm phán giữa VTV và đối tác bị lâm vào thế bế tắc. 

Là đại diện Việt Nam duy nhất tham gia đàm phán, VTV với quan điểm "nỗ lực nhưng sẽ không mua bằng mọi giá" đã chỉ đồng ý một mức giá mà theo đó còn "chênh lệch khá lớn" với giá chào bán của Infront Sports & Media (ISM) - đơn vị được FIFA giao quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 tại khu vực châu Á.

Vào 7-6, khi ISM quyết giữ mức giá yêu cầu khiến việc bản quyền World Cup 2018 có thể sẽ không đến được với người hâm mộ bóng đá Việt Nam thì rộ lên thông tin về sự  "ra tay" của Vingroup để đưa bản quyền về Việt Nam. 

Ngày 9-6 khi công bố được đưa ra bởi VTV về việc chính thức có bản quyền World Cup 2018 cùng đó là thông tin về tên doanh nghiệp chung tay lại thêm một bất ngờ rằng không chỉ Vingroup mà cả Viettel cũng có mặt ở thương vụ này. 

Trên thông báo tại vtv.vn cho biết, “ngay từ những ngày đầu tiên đàm phán mua bản quyền phát sóng FIFA World Cup™ 2018, Đài truyền hình Việt Nam đã nhận được sự đồng hành đóng góp quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel. Theo đó, Viettel đã cam kết đầu tư kinh phí cùng VTV để mua bản quyền FIFA World Cup™ 2018.”
 
Sự đồng hành cùng VTV trong thương vụ này của các doanh nghiệp đã tạo nên sức bật lớn cho VTV trong việc mua bản quyền World Cup 2018, cũng thể hiện rõ ràng trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn với cộng đồng khách hàng của mình cũng như người dân trên cả nước.

Dù không được công bố nhưng theo nhiều nguồn tin, thương vụ của VTV-Viettel-Vingroup có giá trị lên tới 340 tỷ đồng.

Theo một chuyên gia, để tham gia vào “cuộc chơi” này, doanh nghiệp đồng hành trước tiên phải chấp nhận phục vụ cộng đồng chứ chưa hẳn có được quyền lợi thương mại tương ứng với công sức và số tiền bỏ ra.

Theo TRUNG HIỀN (VIETNAM+)