Bằng chứng về mặt trăng đầu tiên ngoài hệ Mặt Trời

04/10/2018 - 15:04

Phát hiện mới từ bộ đôi kính viễn vọng của NASA hé lộ sự hiện diện của mặt trăng đầu tiên ngoài hệ Mặt Trời.

Hình ảnh mô phỏng mặt trăng quay quanh ngoại hành tinh Kepler-1625b. Ảnh: NASA.

Kính viễn vọng không gian Hubble và Kepler của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của mặt trăng ngoài hệ Mặt Trời, CNN hôm nay đưa tin. Nếu được xác nhận, phát hiện mới của các nhà thiên văn học thuộc Đại học Columbia, Mỹ sẽ mở ra một trang mới trong lịch sử khám phá vũ trụ.

Theo NASA, mặt trăng có kích thước tương đương sao Hải Vương, quay quanh ngoại hành tinh Kepler-1625b trong chòm sao Thiên Nga, một hành tinh khí khổng lồ lớn gấp nhiều lần sao Mộc cách Trái Đất khoảng 8.000 năm ánh sáng.

Do khoảng cách quá xa, các nhà thiên văn học vẫn chưa chụp được hình ảnh trực tiếp của mặt trăng ngoài hệ Mặt Trời này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tin tưởng vào sự tồn tại của nó bằng cách theo dõi sự mờ sáng của hành tinh mẹ.

Sau hơn 30 ngày quan sát các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời bằng kính thiên văn Kepler, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những dấu hiệu bất thường ở ngoại hành tinh Kepler-1625b. Sau đó, họ sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble để theo dõi độ sáng của hành tinh này trong 40 giờ liên tiếp. Khi Kepler-1625b bay qua bề mặt ngôi sao chủ ở phía kính Hubble, nhóm nghiên cứu nhận thấy độ sáng của hành tinh giảm mạnh trong khoảng 3,5 giờ.

Nhóm nghiên cứu tin rằng sự giảm sáng này là do một mặt trăng đồng hành cùng hành tinh gây ra, tuy nhiên họ cần thêm thời gian để theo dõi và xác nhận. Một số giả thuyết cho rằng Kepler-1625b có thể do một ngoại hành tinh thứ hai che mờ, nhưng nhóm nghiên cứu đã bác bỏ giả thuyết do không hề tìm thấy bất kỳ hành tinh nào xung quanh Kepler-1625b.

Theo ĐOÀN DƯƠNG (Vnexpress)