Báo chí với công tác giảm nghèo

18/10/2019 - 09:08

 - Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức 3 năm liên tục. Điều đó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước đối với công tác giảm nghèo, cùng với tầm quan trọng của báo chí khi song hành cùng công tác đặc biệt này.

Trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải A

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác giảm nghèo thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, nhà nước, giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết. Đến cuối năm 2018, đã có 8/64 huyện nghèo và 14/30 huyện nghèo (hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a) thoát khỏi tình trạng khó khăn. Cả nước có 44/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 121 xã, 1.286 thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Dự kiến đến cuối năm 2019, có khoảng 20 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; khoảng 90 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia Vương Đình Huệ bày tỏ: “Việt Nam là một trong những nước sớm đạt mục tiêu thiên niên kỷ; triển khai rất mạnh mẽ chương trình phát triển bền vững theo chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc. Theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đang tiến hành song song 2 mục tiêu: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1,55% (tương ứng với trên 300.000 hộ thoát nghèo). Với mục tiêu huy động tổng lực tinh thần, vật chất của toàn xã hội, nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước để chung tay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, hàng năm, chúng ta đã huy động được nguồn lực rất lớn. Trong sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc đối với người nghèo, chúng tôi thấy rằng ngay cả người nghèo cũng có ý thức chia sẻ, giúp đỡ với những người nghèo hơn”.

Trong đó có câu chuyện “lạ kỳ” về cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) chủ động đạp xe lên UBND xã xin “thoát nghèo”, được dư luận xã hội rất chú ý thời gian trước đây. Những lý giải của cụ hoàn toàn hợp lý, đầy sự tin tưởng vào chính bản thân mình: “Tôi còn cấy được lúa, trồng được mấy sào rau, nuôi gà, tôi trả lại suất hộ nghèo này cho gia đình khác cần thiết hơn… Bà già này ở một mình rất thoải mái, thích ăn gì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu, khai hoang vườn rộng mấy sào mà bảo nghèo là nghèo thế nào. Tôi có 11 người con mà nói không nơi nương tựa? Tôi có chỗ nương tựa rất nhiều, nhưng tôi chưa phải nương tựa ai. Tôi xin phép cho tôi trả lại sổ hộ nghèo này và tôi xin thoát nghèo”. Câu chuyện của cụ Mơ khiến mọi người giật mình, thậm chí hổ thẹn. Tư duy ỷ lại, dựa dẫm vào xã hội dường như trở nên quen thuộc đến mức, rất ít người đủ tự trọng và quyết tâm “trả sổ hộ nghèo” như cụ Mơ.

Câu chuyện của cụ Mơ, những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của cả nước và từng địa phương… được chuyển tải sinh động thông qua báo chí, trong những chuyên mục, bản tin, bài viết theo chủ điểm, định kỳ, dòng thời sự chủ lưu. Khi Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 được tổ chức, các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên báo chí lại có thêm điều kiện đầu tư, chăm chút cho tác phẩm, để nâng tầm chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền về giảm nghèo. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, các tác phẩm gửi dự thi năm 2019 đã được nhiều cơ quan báo chí đầu tư kỹ, chất lượng khá đồng đều, số lượng tăng hơn năm trước. Nhiều tác phẩm dài kỳ về công cuộc giảm nghèo tại địa phương, nhiều tác phẩm truyền hình và phát thanh, báo in có chất lượng tốt, phát hiện cách làm hay hiệu quả, cũng như phản ánh những bất cập trong công tác điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo. Bên cạnh đó, nhiều tác giả đã đi sâu phân tích, lý giải nguyên nhân nghèo đói tại địa phương, đề ra khuyến nghị, giải pháp tích cực để thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới.

Mặc dù công tác giảm nghèo đã có kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo gặp khó khăn trên cả nước. Cứ 100 hộ thoát nghèo, có 18 hộ tái nghèo vì nhiều lý do khác nhau. Do đó, Đảng, nhà nước mong muốn huy động tổng lực các nguồn lực của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước để dành cho công tác giảm nghèo. Để cuộc thi năm 2020 thu hút mạnh mẽ hơn nữa, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các đơn vị có liên quan tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo cũng như về cuộc thi; đồng thời động viên các phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia cuộc thi.

Bài, ảnh: VẠN LỘC

 

Liên kết hữu ích