Bảo đảm an toàn thực phẩm

15/11/2018 - 05:28

 - Đó là yêu cầu đã và đang được thực hiện, nhằm tạo nhận thức đúng mức tầm quan trọng của thực phẩm đối với sức khỏe con người, sự phát triển nòi giống và phát triển kinh tế - xã hội...

Từ Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 7-2-2012 để triển khai thực hiện. UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động; các huyện, thị, thành ủy xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu về an toàn thực phẩm để triển khai phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đưa các tiêu chí về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Không chỉ vậy, tỉnh còn tăng cường nguồn lực để nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Từ việc củng cố Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở các cấp, ngành; chi kinh phí phân bổ thực hiện Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác an toàn thực phẩm… cho thấy quyết tâm và nỗ lực của tỉnh.

Bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất mắm tại một cơ sở ở TP. Châu Đốc

5 năm qua, các cơ quan thông tin đại chúng đăng, phát 2.583 bài tuyên truyền; ngành chức năng cấp 1.185 băng rôn, 1.185 đĩa tuyên truyền, in 33.427 tờ gấp. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tiến hành 56.958 lượt thanh tra, kiểm tra cơ sở (trung bình mỗi năm tiến hành 11.392 lượt); phát hiện 17.328 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 30,42%); xử phạt vi phạm hành chính trên 9,7 tỷ đồng. Nội dung vi phạm tập trung vào các vấn đề như: sản xuất thực phẩm thuộc diện phải công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, mà không có giấy tờ thủ tục đầy đủ; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ; sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc để sản xuất, chế biến thực phẩm; sản phẩm không đạt chất lượng so với công bố ghi trên nhãn; vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm sống chưa qua kiểm dịch…

Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã cấp 2.350 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (cho 450 cơ sở sản xuất, 1.868 cơ sở kinh doanh thực phẩm). Có 7.981 cơ sở ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh đã cấp 1.638 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất- kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của từng ngành.

Đoàn Đại biểu Quốc hội kiểm tra thực tế việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại TP. Long Xuyên

Đoàn Đại biểu Quốc hội kiểm tra thực tế việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm tại TP. Long Xuyên

Theo đánh giá chung của Tỉnh ủy, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và Kế hoạch số 46-KH/TU, toàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu tích cực. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có nhiều tiến bộ, đã hình thành được một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm được duy trì. Hoạt động thông tin tuyên truyền nâng cao về chất lượng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từng lúc, từng nơi chưa chặt chẽ. Việc sản xuất, chế biến, lưu thông, trao đổi các loại hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn chưa được kiểm soát, quản lý tốt, nhất là tại các chợ, dịch vụ thức ăn đường phố, dịch vụ phục vụ đám tiệc, các bếp ăn tập thể. Vụ hơn 500 công nhân Công ty TNHH An Giang Samho (Châu Thành) bị ngộ độc ngày 1-7-2017 là một ví dụ điển hình. Nguyên nhân do các món ăn của hộ kinh doanh T.T.H (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cung cấp cho công nhân bị nhiễm vi khuẩn Coliforms và E. Coli.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng khiến dư luận lo ngại, bức xúc. Người dân lo ngại thực phẩm không an toàn làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của mình. Trong khi đó, nhà nước chưa có nhiều thông tin hỗ trợ cho người tiêu dùng, chưa kết nối được thực phẩm an toàn đến với họ, chưa tạo được động lực khuyến khích cơ sở sản xuất- kinh doanh thực phẩm an toàn.

Để giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên, việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các văn bản, quy định về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” là thật sự cần thiết.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Võ Anh Kiệt đề nghị: “Cần xem tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu, là một trong những mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Trong các nhiệm vụ, giải pháp, chú trọng khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm. Quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, gắn với xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai cơ sở vi phạm cho nhân dân biết”.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH