Bảo vệ “lá phổi xanh”

17/08/2018 - 07:07

 - Mặc cho thử thách khô hạn, nắng nóng trong suốt mùa khô vừa qua, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh vẫn được bảo vệ an toàn. Vào mùa mưa, ngành kiểm lâm tập trung triển khai nhiệm vụ trồng rừng, trồng cây phân tán, tạo “lá phổi xanh” để bảo vệ môi trường sống trong lành.

Quyết liệt bảo vệ rừng

Mùa khô năm nay, tuy không xảy ra tình trạng khô hạn, nắng nóng gay gắt như những năm trước nhưng vẫn có tình trạng nắng nóng xuất hiện thành nhiều đợt. Ở vùng biên giới, nắng nóng thường xuyên lên mức 36-37oC, nhiều cánh rừng khu vực đồi núi và đồng bằng phải nâng cảnh báo cháy lên cấp cháy cao hoặc cấp cực kỳ nguy hiểm.

Rút kinh nghiệm những năm trước, ngành kiểm lâm đã sớm tham mưu tổng kết và triển khai 35/35 phương án phòng cháy chữa, cháy rừng (PCCCR), trong đó, cấp tỉnh 2 phương án, cấp huyện 7 phương án, cấp xã 24 phương án và 2 phương án tổ chức quản lý rừng. Đồng thời, xây dựng lịch phối hợp trực chỉ huy CCR niêm yết tại Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh (Chi cục Kiểm lâm, Bộ Chỉ huy Quân sự, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu hộ cứu nạn - Công an tỉnh) và Văn phòng Ban Chỉ huy các địa phương có rừng. Kiểm lâm các cấp đã triển khai trực, có sổ ghi chép tiến độ diễn biến hàng ngày; thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh, cảnh báo cấp cháy rừng cho 4 huyện, thành phố có rừng trên trang web của Chi cục Kiểm lâm (http://kiemlamangiang.gov.vn). Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lực lượng kiểm lâm đã thường xuyên tổ chức tuần tra độc lập, phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, kiểm tra kiểm soát lâm sản, động vật hoang dã...

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trần Phú Hòa cho biết, các đơn vị đã thường xuyên kiểm tra việc bố trí các dụng cụ, phương tiện và công tác PCCCR tại các vùng trọng điểm cháy. Trong đó, đã được trang bị 4 xe tải phục vụ chuyển quân, 119 máy CC cải tiến (đồi núi 56, đồng bằng 63), 100 máy CC đeo vai, 5 máy bơm chuyên dụng CCR đồng bằng cùng 6.743 các dụng cụ như: thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bàn cào, dao quéo, thùng thiếc, kẻng báo động… Tất cả 202/202 điểm trọng yếu trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ phục vụ công tác PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; hợp đồng lao động tuần tra bảo vệ rừng 117/117 định suất.

“Các lực lượng đã xây dựng và đã phát dọn 5 đường băng cản lửa chống cháy lan ở khu vực núi Cấm và núi Phú Cường (Tịnh Biên), núi Sam (Châu Đốc) với tổng diện tích 25,8. Đồng thời, đốt chủ động 15ha, chống cháy lan vào rừng ở Tri Tôn” - ông Hòa thông tin.

Bảo vệ “lá phổi xanh”

Tuần tra bảo vệ rừng

Xử nghiêm vi phạm

Việc chủ động ứng phó bảo vệ rừng là rất cần thiết bởi trong mùa khô, đa số các khu vực rừng trọng điểm của tỉnh đều cảnh báo ở cấp III (cấp cháy cao), riêng các khu vực rừng tràm đồng bằng ở cấp cháy V (cấp cháy cực kỳ nguy hiểm).

Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 1 vụ cháy rừng nhỏ tại khu vực đồi 1 (núi Phú Cường) với diện tích 200m2, chủ yếu là cháy lá khô, mục, không gây thiệt hại đến rừng (giảm đến 114,15ha so với năm 2017).

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng đã phát hiện 6 vụ vi phạm (giảm 24 vụ so cùng kỳ năm 2017), gồm: 1 vụ vi phạm mua bán, cất giấu, kinh doanh lâm sản trái phép và 5 vụ vi phạm thủ tục hành chính (đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 3,25 triệu đồng).

Ngoài ra, đã ngăn chặn kịp thời 48 vụ với khoảng 105 lượt người chuẩn bị vào rừng bắt cò, xuyệt cá. Nét mới trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR năm 2018 là Chi cục Kiểm lâm đã tiếp nhận thiết bị bay Flycam từ Ban Quản lý Dự án Quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh, giúp công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các sự cố về rừng được hiệu quả, kịp thời hơn.

Bên cạnh công tác bảo vệ, công tác quản lý và phát triển rừng cũng được chú trọng. Ông Hòa cho biết, Chi cục Kiểm lâm đã hoàn chỉnh hồ sơ thuê tư vấn lập phương án rà soát, chuyển đổi đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất gắn với điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị chức năng đã sớm triển khai kế hoạch vốn và danh mục dự án đầu tư năm 2018 chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững tỉnh An Giang, gồm: trồng rừng 73,29ha, chăm sóc rừng 230,95ha, trồng cây phân tán 2.048ha. Để chuẩn bị tốt nguồn cây giống, từ đầu năm đến nay, tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã gieo 352,8kg hạt giống, cấy 246.000 cây, chăm sóc 253.125 cây…

Qua đó, đáp ứng nhu cầu trồng hơn 1,17 triệu cây cây lâm nghiệp phân tán ở các địa phương. Dự kiến, Chi cục Kiểm lâm sẽ bổ sung cây cà na, xoài keo vào danh mục cây trồng lâm nghiệp để phục vụ trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN

 

Liên kết hữu ích