Bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học

05/03/2019 - 07:31

 - Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch và chủ động triển khai, đôn đốc các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các ngành và UBND cấp huyện.

Sở TN&MT đã triển khai đến các sở, ngành, UBND cấp huyện và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang về thực hiện thu gom, xử lý rác sinh hoạt và rác thải y tế nguy hại. Năm 2018, toàn tỉnh thu gom khoảng 726/1.148 tấn/ngày (đạt 63%) ở 153/156 xã (trong đó, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang thu gom khoảng 690 tấn/ngày, chiếm 95%, còn lại do tổ tự quản xã, phường thu gom). Chất thải nguy hại y tế đã được thu gom và xử lý đạt tỷ lệ 100%.

Công tác xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tập trung thực hiện, đến nay đã hoàn thành giai đoạn I dự án đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (đóng lấp xong 3 bãi rác ở các huyện: Phú Tân, Châu Phú và An Phú) và Dự án đầu tư xử lý chất thải 6 bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Riêng 3 bãi rác còn lại thuộc giai đoạn II của dự án đóng cửa, xử lý ô nhiễm môi trường các bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (gồm bãi rác TX. Tân Châu, Thoại Sơn và Chợ Mới), lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Bộ TN&MT (ngày 15-11-2018) và đã được bộ đồng thuận, chia sẻ với khó khăn của tỉnh và thống nhất hỗ trợ An Giang theo nguyên tắc tỉnh phải đối ứng 50/50 trong kế hoạch vốn sự nghiệp môi trường năm 2019.

Công tác quan trắc môi trường được thực hiện định kỳ, kết quả cho thấy chất lượng môi trường nước mặt sông Tiền, sông Hậu, kênh, rạch nội đồng đều ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, trong đó chất lượng nước kênh, rạch nội đồng ô nhiễm hơn chất lượng nước sông Tiền, sông Hậu. Chất lượng môi trường không khí ít có sự biến động, chủ yếu ô nhiễm nhẹ bởi bụi, tiếng ồn tập trung chủ yếu ở khu đô thị, khu vực giao thông, khu du lịch, khu cụm công nghiệp, khai thác đá, lò gạch. Độ mặn dao động ở mức thấp từ 0,08 - 0,28‰, trong đó khu vực huyện Tri Tôn cao hơn khu vực huyện Thoại Sơn và có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Công tác kiểm tra bảo vệ môi trường đối với các dự án đã được phê duyệt thủ tục hành chính về môi trường được thực hiện thường xuyên. Tổ chức 4 cuộc kiểm tra đối với 173 dự án, cơ sở (2 cuộc theo kế hoạch và 2 đột xuất). Qua kiểm tra, phát hiện các doanh nghiệp còn tồn tại về quản lý chất thải nguy hại, chưa lập báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, thực hiện chưa đúng nội dung so với hồ sơ môi trường được duyệt... Sở đã nhắc nhở và giới hạn thời gian khắc phục. Cùng với đó, tiếp nhận và phối hợp địa phương giải quyết 40/52 phản ánh liên quan đến lĩnh vực môi trường, nội dung tập trung các vấn đề: xả thải nơi công cộng, điểm du lịch; ô nhiễm môi trường sông, kênh, rạch trong nội ô đô thị, sạt lở... và 10 phản ánh về lĩnh vực môi trường của người dân thông qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT về các vấn đề: chăn nuôi trong khu dân cư, cơ sở hoạt động gây ảnh hưởng đến người dân (xay xát), các đoạn kênh, rạch ô nhiễm do người dân xả thải...

Tuy nhiên, hoạt động bảo vệ môi trường còn những hạn chế tiếp tục giải quyết, như: tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản cát sông, cát núi, đất mặt trái phép vẫn còn tiềm ẩn và có chiều hướng gia tăng do chưa có chế tài xử lý nặng đủ sức răn đe. Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn, việc nuôi chim yến tự phát trong các khu dân cư, khu vực đông dân cư đã ảnh hưởng môi trường sống của người dân. Việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường ở một số cơ sở, sản xuất - kinh doanh thực hiện chưa tốt...

Giám đốc Sở TN&MT Trần Đặng Đức cho biết, sở tập trung triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch về môi trường đã được duyệt, như: dự án cơ sở dữ liệu môi trường và hạ tầng truyền- nhận số liệu quan trắc liên tục, tự động tỉnh An Giang; kế hoạch điều tra, đánh giá ô nhiễm môi trường đất trên địa bàn tỉnh; kế hoạch điều tra, đánh giá sơ bộ khu vực có khả năng bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh ở tỉnh An Giang; kế hoạch điều tra, đánh giá và cập nhật thông tin về loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trên địa bàn tỉnh; chương trình “Nghiên cứu phát triển bền vững các vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”… Tăng cường quản lý chất thải nguy hại đối với các chủ nguồn thải và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tiêu chí nông thôn mới (tiêu chí môi trường) trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh có 71 khu, điểm du lịch và cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần xử lý. UBND huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xử lý dứt điểm 21/71 khu, điểm, cơ sở ô nhiễm môi trường (giảm 29,6% so với năm 2017 và giảm 81,1% so với năm 2014). Các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch xử lý 50 khu, điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong năm nay

 

Bài, ảnh: HỮU HUYNH